Hàng dệt may sẽ rộng cửa vào EU

Theo baocongthuong.com.vn

Việc Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận quy tắc cộng dồn nguồn gốc xuất xứ (xuất xứ cộng gộp) trong định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở thêm cơ hội để hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam sau Mỹ. Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - nhận định: Với “bệ đỡ” của EVFTA, một số dòng thuế đưa ngay về 0% và giảm dần trong vòng 7 năm, những đơn hàng nửa cuối năm 2017 có triển vọng tăng trưởng cao tại thị trường này.

Quy tắc xuất xứ cộng gộp được nhận định là giải pháp nhanh cho DN dệt may vượt qua một phần rào cản quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích lâu dài, việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước rất cần thiết.
Kỳ vọng lớn, tuy nhiên, bài toán đặt ra cho các nhà sản xuất là làm sao đáp ứng được quy tắc xuất xứ 2 công đoạn quy định trong hiệp định. Đơn cử như vải sử dụng để cắt, may phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU. Trong khi đó, 86% nguyên liệu vải hiện phải nhập khẩu, vải sản xuất xứ trong nước chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chủng loại hạn chế.

Với nỗ lực của đoàn đàm phán Việt Nam, EU đã linh hoạt chấp nhận áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp cho hàng dệt may. Theo đó, DN trong nước có thể nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ quốc gia có hiệp định thương mại với cả Việt Nam và EU (hiện tại là Hàn Quốc), thành phẩm sẽ được coi có xuất xứ rõ ràng.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), quy tắc xuất xứ cộng gộp giúp các nhà sản xuất trong nước khai thác nguyên phụ liệu từ thị trường Hàn Quốc cho sản xuất và hưởng ưu đãi thuế quan. Gần đây, một số doanh nghiệp có tiềm lực đã chuyển hướng nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc. Đơn cử, Tổng công ty CP May Hưng Yên đã mở rộng quan hệ giao thương tới hơn 20 khách hàng Hàn Quốc, vừa để tránh những rủi ro về xuất xứ có thể đến trong quá trình thông quan, vừa được hưởng ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Như vậy, nhập khẩu vải từ Hàn Quốc có thể giúp doanh nghiệp trong nước tháo gỡ ngay rào cản về nguồn gốc xuất xứ quy định trong EVFTA. Tuy nhiên, đại diện Vitas cho rằng, về lâu dài và bảo đảm cho dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do khác, phải phát triển được sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

Điều này không chỉ đòi hỏi cao cả về công nghệ kỹ thuật và nhân lực mà vốn cũng là vấn đề lớn. Ước tính, một chỗ làm việc trong công đoạn may chi phí khoảng 3.000 USD, dệt vải từ 8.000-10.000 USD, công đoạn nhuộm hoàn tất mất tới vài chục nghìn USD cùng yêu cầu về môi trường rất gắt gao. Do đó, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp trong ngành, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài để tăng khả năng thúc đẩy sản xuất vải nguyên liệu cho xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần liên kết nội khối ASEAN để phát triển ngành dệt may. Theo đó, Việt Nam mạnh về may mặc, Thái Lan có lợi thế dệt nhuộm, có thể liên kết thành chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh trong khối. Điều này không chỉ giúp phát huy lợi thế của mỗi quốc gia, mà còn tạo mắt xích đủ mạnh để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đáng chú ý, EVFTA có quy tắc xuất xứ cộng gộp đặc biệt theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập, cho phép Việt Nam được cộng gộp xuất xứ từ các nước ASEAN khác. Đây cũng là giải pháp tốt cho dệt may Việt Nam tận dụng được lợi thế khi Thái Lan hoàn tất định mại tự do với EU.

Tại buổi kiểm tra về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao tại Vinatex mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ - đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dệt may đang làm tốt hai khâu đầu và cuối (sợi và may), nhưng điểm nghẽn là công nghiệp phụ trợ, nhuộm… Đề nghị tập đoàn đẩy nhanh tiến độ các dự án để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả với mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn.