Hàng hóa Nhật, Hàn tiếp tục vào Việt Nam

Theo Vũ Yến/sgtiepthi.vn

Từ đầu năm 2017 đến nay, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc không ngừng đưa hàng hóa vào Việt Nam, trong đó tập trung thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Lê vàng Housui của tỉnh Miyagi Nhật Bản được bày bán tại Trung tâm thương mại Aeon Mall quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.  Ảnh: Vũ Yến.
Lê vàng Housui của tỉnh Miyagi Nhật Bản được bày bán tại Trung tâm thương mại Aeon Mall quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vũ Yến.

Nhiều kênh giới thiệu sản phẩm

Ngày 20/11 , khoảng 30 doanh nghiệp thuộc tỉnh Hokkaido, Nhật Bản, sẽ gặp gỡ, làm việc với các đối tác tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp này chuyên kinh doanh các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nông sản, thủy hải sản, nước giải khát, gia vị…

Cuộc gặp gỡ nhằm giới thiệu hàng hóa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam. Hoạt động này nằm trong chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Hokkaido do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Hiệp hội Thương mại và công nghiệp tỉnh Hokkaido tổ chức.

Tiếp đó, cũng tại TP. Hồ Chí Minh, trong hai ngày 1 và 2-12 sẽ diễn ra lễ hội giao lưu thương mại và văn hóa Việt-Hàn 2017. Dự kiến sẽ có 19 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc sẽ trưng bày, giới thiệu cho người tiêu dùng Việt Nam các đặc sản nông nghiệp của nước này. Các đặc sản có thể kể đến kim chi, tương đậu nành, xì dầu, tương ớt truyền thống, các loại nấm đông cô, tỏi đen, táo tàu thái lát. Ngoài ra, các sản phẩm từ táo, nho, dưa lê vàng, dâu tây, mận, hành tây, hồng sấy khô, rong biển, các sản phẩm từ sâm, nước giải khát nha đam… cũng được giới thiệu trong lễ hội này.

Trước đó, trong hai ngày 4 và 5/11 tại siêu thị Lotte Mart quận 7, nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hàn Quốc đã được giới thiệu đến người tiêu dùng thông qua lễ hội tiêu dùng Hàn Quốc.

Ngoài các mặt hàng thực phẩm, nông sản, đồ gia dụng, hàng thời trang, điện tử… thì mỹ phẩm Hàn Quốc là mặt hàng được ưu tiên giới thiệu cho người tiêu dùng Việt Nam. Tháng 6-2017 vừa qua, triển lãm quốc tế mỹ phẩm và làm đẹp khu vực Mekong diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh thu hút 80 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực này tham gia.

Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản cũng thúc đẩy việc thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua dự án bán hàng thử nghiệm “Japan Fair” do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) thực hiện. Khởi động dự án này, hàng chục mặt hàng thực phẩm, thức uống, sách tranh cho trẻ em… của các doanh nghiệp Nhật được bán thử tại 250 cửa hàng tiện lợi và bốn trung tâm thương mại Aeon Mall tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Bình Dương. Theo đại diện Jetro, chương trình bán thử nghiệm các sản phẩm này sẽ kéo dài ba tháng (bắt đầu từ 1-11), nếu kết quả tốt thì chủ các hệ thống bán lẻ này sẽ tiếp tục đặt hàng.

“Phủ sóng” thị trường

Cùng với hàng Thái Lan, thời gian gần đây, hàng hóa của Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

Theo ghi nhận thực tế, các sản phẩm gồm thực phẩm, nông sản, thủy sản, các mặt hàng gia dụng, mỹ phẩm của hai nước này hiện đã có mặt trên nhiều kênh phân phối, như hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đồng giá và cả chợ truyền thống.

Chị Minh Thùy, nhà ở quận Tân Phú, cho biết khoảng 70% đồ gia dụng, sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm trong gia đình chị có xuất xứ Nhật Bản. Từ khi sinh con, mọi sản phẩm bỉm, quần áo, giày dép, sữa, thức ăn dặm…, chị Thùy đều chọn của Nhật. “Hiện tại các cửa hàng chuyên đồ Nhật không phải là ít, ngoài ra tôi còn nhờ người xách tay từ Nhật về. Sở dĩ tôi ưu tiên hàng của nước này bởi uy tín, chất lượng, mặc dù giá có cao hơn sản phẩm của một số nước khác”, chị nói.

Mặc dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm Nhật Bản trên đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh cho biết, sức tiêu thụ các mặt hàng rất tốt, trung bình hai tuần cửa hàng nhập hàng một lần.

Trong khi đó, hàng hóa Hàn Quốc, từ thực phẩm cho đến vật dụng gia đình, mỹ phẩm, vật dụng trang trí, hàng lưu niệm, điện tử… cũng đang phổ biến tại thị trường Việt Nam. Lý giải nguyên nhân, trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây, ông Park Chul Ho, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tại Hà Nội, cho rằng hàng hóa Hàn Quốc có nhiều ưu thế về chất lượng, giá cả.

Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc cũng dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm từ nước này tăng lên. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng sử dụng các sản phẩm xuất hiện trong phim ảnh, âm nhạc, thời trang và ẩm thực Hàn Quốc. Đồng thời, sự gia tăng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam cũng dẫn đến gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ nước này để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người lao động và gia đình của họ khi chuyển sang Việt Nam sinh sống và làm việc.