Hiệu ứng APEC

Theo Cẩm Hà/nhandan.com.vn

Hoàn toàn có cơ sở để tin rằng hiệu ứng từ APEC là chất xúc tác quan trọng để năm 2018, Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2017 đã được coi là một năm thành công rực rỡ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Dòng vốn vẫn tăng đều

Quả thực, APEC là một cơ hội quý để Việt Nam thu hút đầu tư. Dù ai cũng biết rằng việc một dự án được ký kết, triển khai là kết quả của một quá trình chuẩn bị, đàm phán lâu dài (dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 đã được khởi động từ 11 năm trước), song sự xuất hiện tại Tuần lễ Cấp cao APEC của hàng loạt “đại gia” tên tuổi trên toàn cầu có thể coi là những tín hiệu tốt cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính đến ngày 20-12-2017, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục là 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm ngoái. Nghĩa là kỷ lục 15,8 tỷ USD vốn FDI giải ngân của năm 2017 đã bị chinh phục.

Về vốn đăng ký, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Có thể điểm một số dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. Đó là Dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), với tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD, của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Và thứ hai, là Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 có công suất 1.320 MW, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm tới. Với dự án nhiệt điện này, các nhà đầu tư Nhật Bản đã nâng tổng mức đăng ký đầu tư vào Việt Nam lên 8,94 tỷ USD, “đẩy” Hàn Quốc xuống vị trí thứ hai (8,18 tỷ USD) trong 11 tháng qua.

Ổn định chính sách, củng cố niềm tin

Tuy nhiên, để các nhà đầu tư yên tâm “dốc vốn” vào Việt Nam, môi trường pháp lý cần tiếp tục được cải thiện theo hướng “minh bạch hơn, ổn định hơn và có thể dự báo được”.

Đó là chia sẻ rất thật của các nhà đầu tư tại hàng loạt diễn đàn chính sách diễn ra gần đây. Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam Adam Sitkoff có phần “hờn dỗi” khi thổ lộ: Lúc chưa vào đầu tư thì tiếng nói của doanh nghiệp có trọng lượng hơn, còn khi “ván đã đóng thuyền”, tiến hành đầu tư rồi, thì mức độ lắng nghe có vẻ như giảm đi. “Các thành viên của AmCham (Phòng Thương mại Mỹ) rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khuyến nghị về những thay đổi gần đây trong chính sách, các bạn cần chú ý đến việc xây dựng các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế hơn”, ông nói. Những dẫn chứng mà ông đưa ra thuộc nhiều lĩnh vực, từ an ninh mạng, thuế, dược phẩm, sở hữu trí tuệ…

Chia sẻ với ý kiến của vị đại diện cho các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, GS, TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư , phân tích: “Khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch và có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp chủ động trong chiến lược kinh doanh”. Thúc đẩy quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và quyết liệt cải cách hành chính, chủ động hội nhập sâu rộng… sẽ là chìa khóa để mở ra một năm mới bội thu nguồn vốn đầu tư, GS Mại khẳng định.