Hoa Kỳ: Thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn nhất của Việt Nam

PV.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, về hàng hóa xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2017, có 19 nhóm hàng/45 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 2 nhóm hàng so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ: Thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn nhất của Việt Nam. Nguồn: Internet
Hoa Kỳ: Thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn nhất của Việt Nam. Nguồn: Internet
Trong đó, 10 nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất đạt kim ngạch 69,94 tỷ USD, chiếm 71,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về mặt hàng giày dép, túi xách, tính từ đầu năm đến tháng 6/2017, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu giày dép, túi xách lớn nhất của Việt Nam, với trị giá đạt trên 1,99 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng 13,9% và chiếm 35,2% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Xếp thứ hai là Liên minh châu Âu (EU) với 1,76 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 31,15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép. Các thị trường xuất khẩu giày dép và túi xách hàng đầu khác của Việt Nam bao gồm Trung Quốc với trị giá 418,4 triệu USD, tăng 31,1%; Nhật Bản đạt 284,4 triệu USD, tăng 4,4%; và Hàn Quốc đạt 158,3 triệu USD, tăng 15,5%...

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng 11%, đạt 8,7 tỷ USD. Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay Việt Nam xuất khẩu giày dép sang 100 nước, trong đó 72 nước có giá trị xuất khẩu 1 triệu USD cho mỗi thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, năm 2017 nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tốt hơn năm 2016, và Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm các ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và giày dép để tập trung vào các ngành công nghệ cao. Vì vậy, đơn đặt hàng cho giày dép và túi xách sẽ tiếp tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Dự kiến tổng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp da giày dự kiến đạt 17,8 tỷ USD năm 2017, tăng 10% so với năm 2016. Để đạt được mục tiêu này, các nhà sản xuất giày dép phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và tìm hiểu thị trường xuất khẩu ở các nước đã ký FTA với Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào các mô hình sản xuất sáng tạo và tham gia chuỗi sản xuất giày dép trong nước, khu vực và trên thế giới. Tập trung cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị và mở rộng sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.