Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong các trường đại học công lập tự chủ ở Việt Nam


Trong xu hướng tiến tới tự chủ đại học, công tác quản lý tài sản công ở các trường đại học công lập Việt Nam những năm gần đây dần đi vào nề nếp, đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, tình hình quản lý, sử dụng tài sản công các trường đại học công lập còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặc biệt là trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong quản lý tài sản công các trường đại học công lập tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017, từ đó đưa ra một số kiến nghị về mặt cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài sản công tại các trường đại học công lập tự chủ ở Việt Nam.

Thực trạng xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản

Xác định được tầm quan trọng, nội dung và mối quan hệ của quy hoạch, kế hoạch nói chung và công tác quy hoạch, kế hoạch trong hoạt động quản lý tài sản công (TSC) nói riêng, thời gian qua các trường đại học công lập (ĐHCL) đã rất quan tâm đến việc thực hiện và hoàn thiện các nội dung có liên quan. Trên thực tế, công tác quy hoạch liên quan đến quản lý TSC mà các trường ĐHCL đã chú trọng hoàn thiện trong thời gian qua, chủ yếu là quy hoạch xây dựng (được phê duyệt từ nhiều năm trước).

Thực tế trước đây, công tác kế hoạch liên quan đến quản lý tài chính nói chung và quản lý tài sản nói riêng chưa được chú trọng, hầu như nội dung chỉ tập trung chủ yếu vào 2 vấn đề: “xin” cấp trên được bao nhiêu tiền và có bao nhiêu dự án. Kế hoạch chủ yếu có tầm nhìn ngắn hạn, hàng năm, hầu như không có kế hoạch mang tính trung hạn và dài hạn. Nội dung kế hoạch mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và tính khả thi.

Chẳng hạn như, trường Đại học Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trước khi tự chủ, Trường đã lên kế hoạch đầu tư Trung tâm đào tạo bồi dưỡng và Trung tâm nghiên cứu đào tạo vận hành Nhà máy điện hạt nhân tại cơ sở 2.

Tuy nhiên, từ 24/9/2015, trường chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương, do đó kế hoạch đầu tư này chưa được triển khai tiếp gây nên những hạn chế nhất định. Đến nay, Trường đang tiếp xúc với các đối tác nước ngoài hợp tác đầu tư cơ sở 2 thành trung tâm thực hành và nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại. Tuy vậy, mức độ hợp tác đối với các đối tác vẫn chỉ dừng lại ở việc ghi nhận để nghiên cứu chứ chưa đưa vào thực hiện trong thực tế…

Thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản

Căn cứ chủ trương đầu tư TSC do cơ quan có thẩm quyền quyết định (hiệu trưởng hoặc bộ chủ quản), các đơn vị được giao chủ đầu tư (đối với các dự án đầu tư xây dựng), các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TSC tổ chức đầu tư xây dựng theo các quy định của Nhà nước và các chủ trương, hướng dẫn. Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, các trường ĐHCL đã thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn, đảm bảo đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch.

Đầu tư công là một quy trình tương đối phức tạp do có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp... Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư XDCB đòi hỏi có nhiều chủ thể cùng tham gia vào quá trình thực hiện. Do đó, việc công khai minh bạch để phòng chống tham nhũng trong hoạt động đầu tư công là một nội dung quan trọng, cần thiết và xuyên suốt trong quá trình triển khai.

Trong khâu quản lý quản lý quá trình thực hiện đầu tư XDCB, các trường ĐHCL tự chủ tài chính rất quan tâm đến hoạt động thẩm định hồ sơ tổ chức thực hiện để đảm bảo tuân thủ các quy định có liên quan. Việc thẩm định hồ sơ có liên quan được cơ quan tham mưu cho giám đốc/hiệu trưởng (thông thường là bộ phận Kế hoạch - Tài chính) thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy trình nghiệp vụ, qua đó góp phần tiết kiệm ngân sách hàng năm, tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Đối với các trường ĐHCL tự chủ, hoạt động đầu tư XDCB được thực hiện từ 2 nguồn cụ thể sau:

- Đầu tư từ nguồn ngân sách cấp: Sau khi được giao quyền tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP 2014 đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập 2014 - 2017, đến nay các trường vẫn còn một số dự án đang triển khai với nguồn vốn từ NSNN. Theo số liệu, tính đến tháng 12/2017, 6 trường tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ thực hiện 16 dự án với nguồn NSNN tương ứng khoảng 359 tỷ đồng. Trong 6 trường này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là 2 cơ sở được cấp NSNN nhiều nhất (lần lượt là 142.149 và 140 tỷ đồng).

Bảng 1: Một số công trình đầu tư xây dựng cơ bản của các trường

STT

Trường

Công trình

1

Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội

Xây dựng tòa nhà trung tâm (khởi công năm 2003, hoàn thành tháng 8/2017)

2

Học viện
Nông nghiệp Việt Nam

Xây dựng ký túc xá, Cải tạo nhà làm việc 4 tầng, Xây dựng giảng đường E. Từ năm 2013 – 2017, Học viện đã có 13 dự án được đầu tư xây dựng, trong đó 10 dự án dùng 100% nguồn vốn Học viện và 3 dự án dùng vốn đối ứng (do Ngân hàng Thế giới cấp)

3

Đại học Tài chính – Marketing

Nghiệm thu và đưa vào sử dụng năm 2015 và 2016 hai khối nhà tại cơ sở 2/4 Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh (khởi công năm 2012)

4

Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

Năm 2017 nghiệm thu và đưa vào sử dụng khu nhà học F (khởi công năm 2010); Ký túc xá sinh viên đưa vào hoạt động năm 2014; Khởi công xây dựng Trung tâm thí nghiệm thực hành năm 2014

5

Đại học Mở
TP. Hồ Chí Minh

Hoàn thành và đưa vào sử dụng cơ sở giáo dục Hồ Hảo Hớn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

6

Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội

Đầu tư xây dựng nhà ăn cho công nhân sản xuất, sinh viên thực tập với mức đầu tư 2.599 triệu đồng (dùng toàn bộ nguồn thu hợp pháp của trường)

 

- Đầu tư từ nguồn tự có: Trong 12 trường tự chủ trên 2 năm (tính đến 12/2017) thì có 9 trường dành khoảng 1.604 tỷ đồng từ nguồn thu của mình để chi cho hoạt động đầu tư, mua sắm, chiếm khoảng 32,7% tổng chi phí cho các chương trình, dự án. Ngoài nguồn vốn từ NSNN, các trường huy động được một số nguồn khác như ODA (Học viện nông nghiệp Việt Nam) hay nguồn vốn vay kích cầu (trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh).

Trường dành nhiều tiền từ nguồn thu của mình cho hoạt động đầu tư mua sắm là trường Đại học Tôn Đức Thắng (Dự án khối Khoa học xã hội và nhân văn, Mỹ thuật công nghiệp, Y dược và khu thực hành – hơn 213 tỷ đồng); trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng trường tại khu đô thị mới Nam Thành phố - hơn 440 tỷ đồng) và trường Đại học Điện lực.

Đánh giá chung về hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản

Nhìn chung đầu tư XDCB là một hoạt động quan trọng trong xây dựng và phát triển của các trường ĐHCL tự chủ tài chính. Giai đoạn 2013 – 2017, hoạt động này đã đạt được một số kết quả sau đây:

Một số kết quả

Việc giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các trường theo cơ chế này cũng như các quy định được sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm theo kế hoạch của trường, đáp ứng kịp thời một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong quá trình hoạt động, đáp ứng các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện các điều kiện về phòng học, ký túc xá cho sinh viên. Các kết quả đạt được cụ thể sau:

Một là, công tác đầu tư XDCB đã thực hiện theo quy định của Nhà nước: Để xây dựng trụ sở làm việc, trụ sở hoạt động sự nghiệp, nhà và các công trình phụ trợ khác, các trường ĐHCL đã tuân thủ nghiêm túc Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng; Chưa xuất hiện nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật trong đầu tư XDCB.

Hai là, đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng: Các trường đã đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, bằng cách hỗ trợ các chủ thầu được giao thực hiện các dự án tăng cường được năng lực bộ máy chuyên môn giúp việc để thực hiện tốt các nội dung được quy định trong Luật Xây dựng, các nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình, quan tâm về kiểm soát chất lượng trong quá trình khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, thi công xây dựng, nghiệm thu vật tư, vật liệu đưa vào xây lắp, nghiệm thu công trình và hạng mục công trình, đôn đốc các nhà đầu tư tư vấn, xây lắp về tiến độ, chất lượng thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký cũng như các quy định có liên quan, xử lý các vi phạm của nhà thầu theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đồng thời, các trường đã bố trí đủ vốn cho các công trình, dự án hoàn thành có quyết toán vốn đầu tư XDCB được duyệt, không thực hiện bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt, các dự án chưa đủ thủ tục theo quy định, các dự án chưa thực sự cấp bách và đem lại hiệu quả thấp.

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn đã được quan tâm hơn: Nhằm đảm bảo đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch đã được chú ý hơn; thực hiện đúng quy định về lựa chọn nhà thầu, việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu cũng được chú ý; các chủ đầu tư, bên mời thầu đầu tư phải đăng tải thông tin, phát hành hồ sơ mời thầu công khai, minh bạch, đảm bảo đúng thời gian quy định.

Bốn là, việc lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư XDCB đã được chú trọng, có căn cứ khoa học hơn. Theo kết quả khảo sát tại 12 trường, 3 căn cứ được lựa chọn để các trường lập kế hoạch đầu tư XDCB gồm: Tính cấp bách của công trình đối với hoạt động của trường (100%); chiến lược, quy hoạch phát triển của trường (92%) và danh mục đầu tư phát triển của trường (98%). Đây là kết quả đáng ghi nhận của các trường ĐHCL trong khâu hình thành tài sản nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khai thác, sử dụng, phát huy được vai trò của tài sản đã đầu tư xây dựng.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được trên, nhìn tổng thể thì chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch gắn với đầu tư xây dựng mới, mua sắm mới TSC các trường ĐHCL tự chủ tài chính còn chưa cao, còn tồn tại một số hạn chế sau:

Một là, thời gian thẩm định, phê duyệt mất nhiều thời gian, quy trình, thủ tục còn rườm rà, qua nhiều khâu trung gian: Sau khi lập dự toán và chuẩn bị hồ sơ xây dựng, các trường vẫn phải trình lên cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt. Ngoài ra, theo những quy định pháp lý hiện hành, thời gian chờ phê duyệt là tương đối lâu (ít nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ), gây nên tình trạng đội giá cao hơn so với giá dự toán, ngân sách phải bổ sung nhiều lần, giảm hiệu quả của hoạt động đầu tư XDCB. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số công việc cần chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp thực tế…

Hai là, chưa đa dạng hóa được các hình thức đầu tư XDCB: Theo kết quả khảo sát của tác giả, trong tổng số 12 trường tự chủ trên 2 năm, có đến 9 trường vẫn đang thực hiện hình thức XDCB là chủ đầu tư thực hiện dự án. Dù hầu hết các trường đã lập ra Ban Quản lý dự án để theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư XDCB nhưng hoạt động giám sát nhiều khi vẫn còn mang tính hình thức. Đồng thời, còn một số hình thức đầu tư XDCB khác có thể áp dụng nhưng lại chưa được nhiều trường sử dụng. Ba trường đã đa dạng hóa được hình thức đầu tư là trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp và trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Ba là, tiến độ triển khai và thanh quyết toán còn chậm: Các dự án đầu tư sau khi thực hiện xong đưa vào khai thác, sử dụng cơ bản đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất đối với công tác quản lý các dự án đầu tư XDCB là tiến độ triển khai thực hiện và thanh quyết toán chậm, thậm chí có dự án đã bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục thanh quyết toán.

Có những dự án lập kế hoạch bố trí vốn trong 1 – 2 năm (dự án quy mô nhỏ và vừa) nhưng trên thực tế, thời gian thực hiện trải dài đến 5 năm. Thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Mặt khác, giá cả vật liệu trên thị trường luôn biến động khó kiểm soát, tỷ giá ngoại tệ lên xuống thất thường vừa khiến khi hoàn thành dự án, chi phí bị đội lên nhiều lần vừa làm ảnh hưởng đến khâu thanh quyết toán dự án.

Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do cơ chế, chính sách chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐHCL trong hoạt động đầu tư XDCB. Cụ thể:

Thứ nhất, các trường tự chủ nhưng vẫn phải tuân thủ theo Luật Đầu tư công, đầu tư các công trình có giá trị (phải kể rõ) phải nằm trong danh mục đầu tư công được Bộ Kế hoạch Đầu tư phê duyệt .

Thứ hai, về việc tăng, giảm quy mô, tổng mức đầu tư chương trình dự án, Điều 46 Luật Đầu tư công quy định các trường hợp được điều chỉnh chương trình, dự án. Tuy nhiên, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công chưa quy định trình tự, thủ tục đối với trường hợp chủ đầu tư đề xuất tăng hoặc giảm quy mô dự án, tăng, giảm tổng mức đầu tư của chương trình, dự án (tăng tổng mức đầu tư từ phân loại dự án nhóm C lên nhóm B, nhóm B lên nhóm A hoặc ngược lại); giữ nguyên tổng mức đầu tư nhưng lại giảm quy mô dự án, làm thay đổi mục tiêu đầu tư ban đầu so với quyết định chủ trương đầu tư ban đầu đã được phê duyệt .

Thứ ba, về điều kiện được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, Điều 55 Luật Đầu tư công quy định điều kiện để chương trình, dự án được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn là đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, chương trình, dự án được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư trung hạn thì chưa thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư .

Theo Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả dự phòng ngân sách và vượt thu, kết dư ngân sách) đều phải có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch. Tuy nhiên, nguồn vốn dự phòng NSNN, vượt thu, kết dư NSNN nếu được sử dụng đầu tư cho các dự án khởi công mới cấp bách lại phát sinh ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm. Do các nguồn vốn này chưa xác định được vào thời điểm lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm nên các dự án này không thể có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 .

Về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm, quy định hiện nay cho phép kéo dài vốn đầu tư sang năm sau tạo ra tâm lý các chủ đầu tư không tập trung triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm kế hoạch ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư.

Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở đánh giá thực trạng và phân tích các nguyên nhân, bài viết đưa ra một số kiến nghị sau:

Một là, cần tăng quyền chủ động cho các trường trong hoạt động đầu tư XDCB: Các trường ĐHCL tự chủ cần được trao quyền chủ động trong công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch của nhà trường; không thực hiện quy định mua sắm tập trung, định mức mua sắm đối với nguồn vốn của trường. Việc đầu tư cho các trường nên áp dụng cơ chế trọn gói và theo dự án.

Các dự án quy mô lớn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn trường ĐHCL đề xuất dự án đầu tư để thẩm định, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và hàng năm bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho trường ĐHCL tự chủ để triển khai thực hiện. Các trường ĐHCL tự chủ được phép tự chủ đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo giống như doanh nghiệp, không phải tuân theo Luật Đầu tư công khi trường sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư.

Chính phủ cũng cần cho phép các trường ĐHCL tự chủ được phép chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất bằng nguồn vốn hợp pháp thay vì vẫn phải lập dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp vốn mới được thực hiện như hiện nay. Việc làm này vừa làm giảm tính chủ động, quyền tự quyết của trường, vừa làm giảm hiệu quả của hoạt động đầu tư vì mất thời gian chờ đợi. Đối với những dự án đã hoàn thành, cần ủy quyền cho các trường tự chủ trong công tác phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn NSNN, đặc biệt là các dự án tồn đọng nhiều năm trước.

Hai là, cần quy định tiêu chí về nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc: Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng TSC quy định về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo hai phương thức: (i) Giao cho tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; (ii) Giao ngân sách cho cơ quan trực tiếp sử dụng trụ sở làm việc thực hiện đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, chưa quy định rõ trường hợp nào thì áp dụng phương thức nào; việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc vẫn đang thực hiện theo quy định chung của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. Trụ sở là việc là tài sản có giá trị lớn, có thời gian sử dụng lâu dài. Nếu để tình trạng trên kéo dài thì không những gây lãng phí mà còn là vấn đề lớn cho việc thu – chi NSNN. Để tránh đầu tư xây dựng trụ sở làm việc lãng phí, cần quy định cụ thể tiêu chí về nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc. Khi lập dự án đầu tư cần làm rõ các yêu cầu về tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư:

- Về tổng mức đầu tư: Phải được căn cứ tiêu chuẩn cấp tài sản làm việc và suất đầu tư (giá trần) cho việc đầu tư xây dựng tài sản làm việc. Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức: tiêu chuẩn cấp trụ sở, suất đầu tư xây dựng, giá thuê tài sản làm việc theo hướng quy định cấp nhà cho trường ĐHCL nhất thiết phải được thiết kế xây dựng nhà từ cấp 3 trở lên. Đồng thời, cũng cần quy định thống nhất giá đầu tư (suất đầu tư) xây dựng, nâng cấp nhà công sở cho từng cấp hạng nhà.

Để có cơ sở lập dự toán cho dự án đầu tư, đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý nhà nước và thực hiện quản lý nhà nước theo định hướng phát triển nền kinh tế thị trường, cần ban hành và quản lý tài sản làm việc thông qua giá cả. Giá đầu tư xây dựng mới theo từng cấp hạng nhà, giá sửa chữa, cải tạo đối với từng hạng mục công trình do Nhà nước quy định.

Các trường khi đầu tư xây dựng không được vượt quá giá trần do nhà nước quy định, nếu đầu tư thấp hơn thì phần chênh lệch được sử dụng để đầu tư mua sắm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các chủ đầu tư chạy theo hình thức tiết kiệm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng cần quy định mức giá sàn và tiêu chuẩn đối với một số vật liệu XDCB như sắt, thép, xi măng…

Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng chênh lệch giá đầu tư xây dựng khá lớn giữa việc đầu tư cùng cấp nhà của từng trường ĐHCL như hiện nay. Nhà nước công bố giá cả đầu tư, nâng cấp cải tạo, sửa chữa từng cấp, hạng nhà làm căn cứ cho các trường ĐHCL xác định chi phí đầu tư. Cơ quan tài chính không quyết toán phần kinh phí đầu tư vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán; trừ trường hợp giá do Nhà nước quy định vào thời điểm đầu tư vượt so với thời điểm lập dự toán và phải có quyết định điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

- Về nguồn vốn đầu tư: Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC hiện hành đối với các công trình đầu tư xây dựng trụ sở làm việc đang dang dở tại các trường ĐHCL tự chủ Nhà nước tiếp tục đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện; các công trình chưa triển khai sẽ được đầu tư bằng nguồn thu hợp pháp của trường.

Trong điều kiện ngân sách cấp cho hoạt động đầu tư ngày càng giảm thì việc tăng các nguồn thu để đảm bảo đáp ứng cho chi xây dựng trụ sở là rất cần thiết. Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện giao tài sản cho trường ĐHCL tự chủ theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp để các trường được quyền chủ động bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dôi dư tạo nguồn đầu tư, hiện đại hóa công sở. Thêm vào đó, các trường cũng phát huy triệt để được quỹ phát triển sự nghiệp, nguồn thu thông qua hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết bất động sản.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về tiêu chuẩn cấp tài sản làm việc và giá trần cho việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của trường ĐHCL theo các nội dung nêu trên. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị, phương tiện làm việc tại trụ sở làm việc bao quát hết các loại tài sản, trang thiết bị gắn với quá trình đầu tư xây dựng và quy định cụ thể cho khối các trường ĐHCL nói chung, trường ĐHCL tự chủ nói riêng.

Tóm lại, TSC tại các trường ĐHCL công lập có vai trò quan trọng trong phát triển xã hội và là điều kiện vật chất không thể thiếu để duy trì hoạt động sự nghiệp. Công tác quản lý TSC là một bộ phận không thể tách rời trong công tác quản lý tài chính công ở nước ta hiện nay.

Trong đó, hoạt động đầu tư XDCB là khâu hình thành tài sản đầu tiên, có ý nghĩa tiền đề cho việc khai thác, sử dụng và kết thúc tài sản khi không còn sử dụng. Chính vì thế, việc đưa ra các giải pháp có ý nghĩa cho triển khai thực hiện là rất cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài sản tại các trường ĐHCL tự chủ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, Hà Nội;
  2. Chính phủ (2016), Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2016, Hà Nội;
  3. Cục Quản lý công sản (2013), “Đổi mới cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính, Hà Nội;
  4. Chu Xuân Nam (2010), Một số vấn đề về quản lý công sản ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.