Hợp tác ASEAN - Ấn Độ: Thành tựu lớn, thách thức cũng nhiều

Theo Hồng Hạnh/thoibaonganhang.vn

Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược.
Năm 2017 là năm bước ngoặt cho cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ, khi Hiệp hội ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, còn Ấn Độ và ASEAN kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại. Có thể thấy trong chặng đường dài vừa qua, quan hệ ASEAN - Ấn Độ đã chứng kiến những tiến triển vượt bậc dù vẫn còn tồn tại những sự bất cân xứng trong việc phát triển quan hệ.

Những tiến triển vượt bậc

Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đã có mối quan hệ từ lâu đời. Từ năm 1947 đến nay, quan hệ Ấn Độ và Đông Nam Á, xét cả chiều rộng và chiều sâu đều tương đối thuận lợi. ASEAN và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối thoại năm 1992, thời điểm mà Ấn Độ còn là một nền kinh tế hướng nội. Năm 1995, ASEAN và Ấn Độ nâng lên quan hệ Đối tác đối thoại toàn diện. Tháng 12/2012, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ đã trở thành điểm mốc mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai bên với tuyên bố nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên Đối tác chiến lược. Mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ đã trở thành một trong những mối quan hệ phát triển nhanh nhất, năng động và toàn diện nhất của ASEAN.

Trong đó, một trong những trụ cột của quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN là hợp tác kinh tế. Là hai trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ASEAN và Ấn Độ đang cùng nhau trở thành những đối tác và đầu tàu kinh tế ngày càng quan trọng. Việc thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN là một trong những ưu tiên trong Kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016-2020 để triển khai mối quan hệ đối tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung.

Phải mất đến sáu năm đàm phán, cuối cùng Ấn Độ và ASEAN đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào ngày 13/8/2009 tại Bangkok (Thái Lan). Theo đó, các loại thuế đánh vào khoảng 4.000 mặt hàng điện tử, hóa chất, máy móc và dệt may (chiếm 80% lượng hàng hóa buôn bán giữa hai bên) sẽ được giảm dần và hướng tới loại bỏ hoàn toàn. Thỏa thuận đạt được có hiệu lực từ tháng 1/2010 là “một chiến thắng cho cả hai phía”.

Trong những năm qua, hợp tác kinh tế ASEAN - Ấn Độ được thúc đẩy bởi sự gia tăng thương mại và đầu tư. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, trong lúc Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của ASEAN. Kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng từ mức 30,09 tỷ USD trong năm 2007-2008 lên 71,69 tỷ USD trong năm 2016-2017. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đến năm 2025 đạt 200 tỷ USD.

Trong khi đó, đầu tư từ ASEAN sang Ấn Độ đã tăng lên hơn 70 tỷ USD trong 17 năm qua, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ, trong khi đầu tư của Ấn Độ sang các nước ASEAN trong cùng thời gian đạt hơn 40 tỷ USD.

Những bất cân xứng trong hợp tác

Với tổng dân số hai bên lên đến 1,85 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, tổng GPD của cả hai bên dự tính đạt hơn 3.800 tỷ USD. Thị trường, nhu cầu rộng lớn của ASEAN và Ấn Độ, cùng với những tương đồng về địa lý, văn hóa và sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau đã thúc đẩy cho quan hệ ASEAN - Ấn Độ phát triển.

Tuy nhiên, bất chấp thành tích này, có một điều cần ghi nhận là mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã không đạt mức như kỳ vọng, và còn tồn tại những sự bất cân xứng.

Lý do thứ nhất là mối quan hệ chính trị đã vượt lên trên các mối quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa và con người. Thương mại Ấn Độ - ASEAN đang giảm dần sau khi cán mốc 80 tỷ USD vào năm 2011-2012. Trong khi đó, kim ngạch thương mại ASEAN - Trung Quốc hiện là 450 tỷ USD. Có khả năng mục tiêu thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đến năm 2025 sẽ không thể đạt được 200 tỷ USD. Mặc dù hơn 22% tổng FDI nước ngoài của Ấn Độ đổ vào ASEAN và 2.000 công ty Ấn Độ hiện có mặt tại các nước ASEAN, vị trí của Ấn Độ vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2016, Ấn Độ đã đầu tư 1 tỷ USD vào ASEAN, thấp hơn đáng kể so với mức 10 tỷ USD mà Trung Quốc đổ vào khu vực Đông Nam Á.

Ấn Độ miễn cưỡng ký vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được coi là một thỏa thuận thương mại khổng lồ giữa các nước ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chủ yếu là bởi New Delhi lo ngại Trung Quốc sẽ lấn át thị trường Ấn Độ. Sự thiếu kết nối mạnh mẽ giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục là một hạn chế lớn, và ngay cả dự án hiếm hoi như Hành lang Vận tải Đa phương thức Kaladan xuyên qua tỉnh Rakhin của Myanmar và đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Thái Lan - Myanamar cũng đã bị đình trệ một cách bất thường. Điều này sẽ càng hạn chế những triển vọng mở rộng quan hệ thương mại và giao thương giữa Ấn Độ và ASEAN.

Thứ hai, mối quan hệ có lựa chọn với một số nước ASEAN như Singapore đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn so với các nước khác. Singapore, Malaysia và Thái Lan là những đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ trong khối và những nỗ lực nhằm đa dạng hóa thương mại với các nước khác đã không thực sự thành công. Một sự thiếu cân bằng đáng chú ý cũng tồn tại trên bình diện kết nối. Có tới hơn 400 chuyến bay mỗi tuần giữa các thành phố Ấn Độ và Singapore, 200 chuyến mỗi tuần với Malaysia và Thái Lan. Ngược lại, không có một đường bay trực tiếp nào giữa Ấn Độ với quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất của ASEAN là Indonesia. Tương tự, hiện có các tuyến tàu biển đều đặn giữa các cảng của Ấn Độ với Singapore và Klang (Malaysia), trong khi có rất ít hoặc thậm chí không có chuyến nào kết nối với tất cả các bến cảng khác trong khu vực.

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã đạt được những tiến triển ấn tượng trong vòng 25 năm qua. Việc cả 10 lãnh đạo nhà nước/chính phủ ASEAN được làm khách mời quan trọng trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa lần thứ 68 của Ấn Độ là một cột mốc nữa cho thấy mối quan hệ được nâng cấp đáng kể. Sự hiện diện của tất cả 10 vị lãnh đạo ASEAN phản ánh tầm quan trọng mà họ dành cho mối quan hệ này. Ngược lại, tiền lệ chưa từng có về lời mời tập thể dành cho các lãnh đạo của một nhóm khu vực cũng phản ánh mong muốn của Ấn Độ dành sự ưu tiên hàng đầu cho các nước láng giềng Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện, hai bên cần nỗ lực mạnh mẽ nhằm giải quyết những bất cân xứng nói trên vốn đã tồn tại dai dẳng trong mối quan hệ của mình.