Kết quả chống Covid-19 ấn tượng, Việt Nam thành điểm đến thuận lợi nhất để mở rộng kinh doanh tại ASEAN

Theo Chu Văn/baoquocte.vn

Mặc dù hợp tác xuyên biên giới trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 chưa nhiều, song các doanh nghiệp Australia tại Đông Nam Á tiếp tục tin tưởng vào hội nhập kinh tế tại khu vực này.

Công ty Macquarie Capital (Australia) cho biết đã nghiên cứu rất kỹ và sẽ sớm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại Việt Nam. (Nguồn: Reuters)
Công ty Macquarie Capital (Australia) cho biết đã nghiên cứu rất kỹ và sẽ sớm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại Việt Nam. (Nguồn: Reuters)

Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Australia (AustCham) cho thấy, 47% doanh nghiệp nước này cho rằng, sự hội nhập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tạo điều kiện tốt cho hoạt động kinh doanh, trong khi chỉ có 27% cho rằng, sự hội nhập này không quan trọng.

Tỷ lệ trên đã tăng đều đặn từ 41% kể từ khi AustCham lần đầu tiên được thực hiện khảo sát vào năm 2017, bất chấp thực tế là hầu hết các doanh nghiệp Australia hoạt động trong khu vực này có xu hướng tập trung vào từng quốc gia hơn là hoạt động trên cả khu vực và chỉ trích của nhiều nhà phân tích về tốc độ hội nhập chậm.

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát được tiến hành trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 19% cho biết, họ đã mở rộng hoạt động đáng kể trong 2 năm qua và 85% dự kiến sẽ mở rộng trong 5 năm tới.

Một cuộc khảo sát khác thực hiện tháng 4 vừa qua cho thấy, 48% doanh nghiệp cho rằng, đại dịch đã gây ra những tác động rất tiêu cực và 38% cho rằng, đại dịch gây ra tác động khá tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh.

Sự trỗi dậy của Việt Nam cũng đã được nhấn mạnh trong cuộc khảo sát của AustCham, khi Việt Nam được coi là điểm đến thuận lợi nhất để mở rộng kinh doanh, vượt qua Philippines và Myanmar trong những năm gần đây và các đối tác kinh tế lâu năm của Australia là Malaysia và Singapore.

Chuyên gia kinh tế Gregory Earl của Viện Chính sách Lowy nhận định, Việt Nam, vốn đã nhận được sự ưu tiên cao của Australia trong ngoại giao kinh tế châu Á và có thể sẽ nhận được sự chú ý hợp tác song phương lớn hơn ngay bây giờ, sau khi Việt Nam đạt kết quả hết sức ấn tượng trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, mặc dù nạn tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Australia trong khu vực ASEAN, cuộc khảo sát vẫn cho thấy một bước trưởng thành đáng chú ý về triển vọng kinh tế khu vực, khi các doanh nghiệp Australia cho rằng, khó khăn trong việc tiếp cận với lao động lành nghề là thách thức lớn thứ hai, vượt trên cả các rào cản đối với quyền sở hữu và đầu tư.

Những căng thẳng với Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã khiến Chính phủ Australia chú trọng hơn đến các hoạt động ngoại giao kinh tế với các nước Đông Nam Á. Trong một cuộc họp với các doanh nghiệp Australia vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết, Chính phủ Australia hiện nay đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN đối với nền kinh tế và sự ổn định khu vực.

Tại cuộc họp về kết quả khảo sát trên của AustCham, Bộ trưởng thương mại Birmingham đã tiết lộ về chính sách đầu tư của Chính phủ Australia và cho biết, ông tập trung vào việc đầu tư vốn vào khu vực ASEAN, đặc biệt là từ các quỹ hưu trí.

Theo chuyên gia kinh tế Earl, ý tưởng sử dụng dòng tiền từ các quỹ hưu trí ở Australia có thể giúp cải thiện mối quan hệ đầu tư còn mờ nhạt của nước này ở châu Á trong bối cảnh Chính phủ Australia đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước khác ngoài Trung Quốc.