Không nên nghĩ doanh nghiệp FDI đang lấn át

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Năm 2013, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt gần 22 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 54% so với năm 2012; vốn giải ngân đạt cao, lên đến 11,5 tỷ USD.

Không nên nghĩ doanh nghiệp FDI đang lấn át
Năm 2013, thu hút FDI của Việt Nam đạt gần 22 tỷ USD vốn đăng ký. Nguồn: internet
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế Việt Nam và thế giới, kết quả này được đánh giá là khá khả quan trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề đang tồn tại là có không ít những ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) FDI đang chèn ép DN trong nước. 
 
Thành tích xuất siêu đến từ DN FDI

Không thể phủ nhận những thành quả mà dòng vốn FDI đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế từ đầu năm 2012 đến nay, câu chuyện DN FDI khỏe, DN nội yếu có mặt ở hầu hết các báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế. Song điều đáng băn khoăn là, thực trạng này đã kéo dài 2 năm nhưng khoảng cách giữa DN FDI với DN nội địa vẫn đang ngày càng giãn rộng.

Tại thời điểm tháng 6/2012, vấn đề DN nội “thoi thóp” trong khi DN FDI "sống khỏe" với những con số xuất khẩu (XK) ấn tượng đã được đưa ra "mổ xẻ" trong một buổi họp báo của Tổng cục Thống kê. Thời điểm đó, 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch hàng hóa XK đạt 53,1 tỷ USD thì khu vực FDI đóng góp tới 32,6 tỷ USD (chiếm 61,5%) với mức tăng trưởng 37,3%, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 20,5 tỷ USD, tăng vẻn vẹn 4%.

Và từ đó đến nay, khu vực FDI luôn xuất siêu trong khi khu vực trong nước thường xuyên nhập siêu. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, việc sản xuất của khu vực trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK. Về khách quan, DN XK trong nước không có những thuận lợi như những DN FDI. Và đến nay những nhận định đó vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong năm 2013, xuất khẩu của khối DN FDI (không kể dầu thô) đạt 81,1 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ và chiếm hơn 61% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 13,9 tỷ USD trong khi cả nước xuất siêu 863 triệu USD.

Không hề chèn ép

Trước những số liệu và một phần bức tranh về đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có  những ý kiến cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chèn ép đầu tư trong nước và đã đến lúc Việt Nam không nên quá tập trung vào vốn FDI để dồn sức cho thu hút đầu tư nội địa. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, với góc nhìn khách quan hơn, khối DN FDI không lấn át mà đang bù đắp nhập siêu của DN trong nước, giúp cán cân thanh toán vững chắc hơn.

Khi đầu tư trong nước còn khó khăn và cần sự hỗ trợ của đầu tư nước ngoài thì vấn đề không phải là giảm đầu tư nước ngoài mà phải làm sao để khối DN trong nước mạnh dần lên, đồng thời hạn chế những mặt trái trong việc quản lý thuế, chống chuyển giá, thực hiện tỷ lệ nội địa hóa, những cam kết về lao động, môi trường…

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, cần coi DN FDI là DN của Việt Nam và là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Điều quan trọng là, chúng ta cần phải tổ chức quản lý các DN này như thế nào để đảm bảo lợi ích của cả nhà đầu tư và của Nhà nước.

Thực tế, thời gian qua thông qua việc từng bước điều chỉnh chính sách trong thu hút đầu tư, riêng trong năm 2013, đã có nhiều dự án FDI chất lượng công nghệ cao đã được cấp phép. Khối DN này cũng đóng góp hơn 20% giá trị sản xuất công nghiệp và 60% giá trị xuất khẩu. Thông qua chính sách thu hút FDI, Việt Nam đã chọn lọc tạo ra định hướng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo.

Các DN FDI đã tạo ra nhiều việc làm với lương bình quân khá cao. Một phần nào đó, họ đóng góp vào đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị trong các DN Việt Nam và tạo ra sự cạnh tranh giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài. Điều quan trọng hiện nay là cần phải cải thiện căn bản thể chế kinh tế nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, dễ hiểu, dễ vận dụng để DN có thể nhanh chóng tiếp cận được.