Cơ hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương:

Không thể “bất chiến tự nhiên thành”

Theo Tuệ Anh/daibieunhandan.vn

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là rất nhiều nhưng không thể “bất chiến tự nhiên thành”. Vì vậy doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin, kết nối với các mạng phân phối, hiểu về thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sức ép cần thiết

Phóng viên: CPTPP chính thức có hiệu lực ngày 14.1 tác động đến doanh nghiệp trong nước như thế nào, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

TS. Võ Trí Thành: CPTPP tạo ra một không gian thương mại, đầu tư, dịch vụ cao; mang những tiêu chuẩn chất lượng cao, hướng tới những chuẩn mực về thương mại và đầu tư như dịch chuyển số. CPTPP là một sức ép có trọng lượng, thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.

Đây vừa là cơ hội cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện phương thức vận hành của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; vừa là sức ép cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi cách thức kinh doanh theo hướng bền vững, phù hợp với những đòi hỏi của thị trường hiện đại. Doanh nghiệp thành phần nào cũng phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng và cạnh tranh. Bước đầu, điều này có thể gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp với phong cách làm ăn không bài bản, chộp giật. Bây giờ, các doanh nghiệp sẽ phải làm ăn bài bản và chuyên nghiệp hơn. Xét về dài hạn, điều này là tốt cho doanh nghiệp. 

Theo ông, đến thời điểm này, Việt Nam bắt nhịp được với dòng chảy hội nhập này chưa?

Việt Nam đã mở cửa và hội nhập được 30 năm, bươn chải cũng nhiều và doanh nghiệp Việt cũng lớn lên nhiều. Điều này chứng tỏ cả ở cấp hoạch định chính sách hay doanh nghiệp đã đủ tự tin để hội nhập. Sự tự tin này được thể hiện qua việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường, với đòi hỏi của hội nhập.

Sự tự tin này cũng được thể hiện qua các con số khi Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ, chưa sẵn sàng ở mức cao. Điều này thể hiện ở nhận thức, ở việc nắm bắt thông tin. Nhiều doanh nghiệp không biết hoặc biết rất hời hợt về CPTPP.

Kết nối tốt hơn

Ông vừa nói rằng, rất nhiều doanh nghiệp không biết hoặc biết rất hời hợt về CPTPP. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?

Tôi cho rằng, với sự bùng nổ về dữ liệu, cách kết nối thông tin hiện nay và cùng với nỗ lực của Chính phủ việc cung cấp thông tin dù chưa được như mong đợi nhưng vẫn không đến mức thiếu. Trang web của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế… có rất nhiều thông tin về hội nhập, về CPTPP. Nhưng vẫn rất nhiều doanh nghiệp không biết thông tin hoặc biết nhưng không sâu,  nguyên nhân đến từ nhiều phía:

Một là, từ phía Chính phủ. Tôi đi rất nhiều nước và thấy rằng Việt Nam rất tích cực trong việc quảng bá, tuyên truyền, đào tạo để nâng cao nhận thức đối với các vấn đề liên quan tới hội nhập. Từ hình thức đến loại hình rất phong phú như truyền thông trên báo in, báo hình, hội thảo, diễn đàn, gặp gỡ trao đổi... Đặc biệt, chúng ta được hỗ trợ, phối hợp tác nhiều tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, chúng ta chưa tuyên truyền được một cách phổ quát và cụ thể mang tính thiết thực mà vẫn có sự trùng lặp, đại trà  vì chúng ta thiếu cả nguồn lực về thời gian, tài chính và nhân lực - người hiểu biết chuyên sâu về hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp dễ nản dần sự quan tâm vì họ thường có tâm lý thích học những cái có thể áp dụng được ngay và thiết thực. Cho nên, tôi cho rằng, tính ưu tiên, tính phối hợp và kết nối của các cơ quan phải tốt hơn, phải gắn bó với hiệp hội, với cộng đồng doanh nghiệp hơn.

Hai là, ở góc độ doanh nghiệp, về cơ bản họ rất ủng hộ hội nhập kể cả những doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực có năng lực cạnh tranh chưa tốt, có thể có những tác động tiêu cực từ quá trình đẩy mạnh hội nhập. Nhưng doanh nghiệp thường quan tâm ở mức độ biết chứ không tìm hiểu sâu, không biết lồng ghép, gắn liền các chiến lược, kế hoạch làm ăn của mình. Tâm thế gắn với cách làm ăn bài bản chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn khá yếu. Thêm vào đó, trong tương tác, kết nối giữa doanh nghiệp và hiệp hội, giữa các doanh nghiệp tương tác với nhau chưa tốt. Họ chưa chia sẻ thông tin và kinh nghiệm cho nhau vì liên quan đến lợi ích riêng.

Ba là, ở góc độ văn hóa, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam kinh doanh hướng tới lợi ích trước mắt, làm ăn chộp giật nên không hào hứng tham dự những chương trình liên quan đến cung cấp thông tin hội nhập. Thích nghe những gì mình biết còn những gì chưa biết thì ít chịu đào sâu suy nghĩ. Trong khi đó, trong bối cảnh mới hiện nay đòi hỏi phải làm ăn bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn và phát triển bền vững. 

Là một chuyên gia kinh tế, ông có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp trong nước, thưa ông?

Nếu không có khát vọng, Việt Nam không thể bắt kịp với thế giới. Hội nhập không phải chỉ để hội nhập, hội nhập phải vì mục tiêu phát triển. Các doanh nghiệp trong nước đến giờ cũng trải qua 3 - 4 thế hệ với kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới và hội nhập.

Cơ hội từ CPTPP là rất nhiều nhưng không có nghĩa “bất chiến tự nhiên thành”, cho nên các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin, tự học hỏi, biết kết nối với các mạng phân phối, hiểu về thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tự làm được hết những điều trên. Vì vậy, Chính phủ và các hiệp hội cần có cách để hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với cam kết trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh. Đây là một bài toán lớn nhưng tôi tin họ sẽ đủ mạnh mẽ trước CPTPP.

Xin cảm ơn ông!