Khủng hoảng nợ xấu đã làm giảm sức hấp dẫn của đầu tư

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô vừa được ngân hàng HSBC phát đi ngày hôm nay cho biết, tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm chạp. Tăng trưởng cả năm 2013 đang được kỳ vọng ở mức 5,2%.

Khủng hoảng nợ xấu đã làm giảm sức hấp dẫn của đầu tư
Nợ xấu của Việt Nam đã làm giảm ham muốn tiêu dùng và sức hấp dẫn của đầu tư. Nguồn: internet

Khẳng định rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng chuyển biến tốt hơn, dù chậm, báo cáo dẫn chứng, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành Sản xuất (PMI) của Việt Nam trong tháng 10 giữ mức 51,5 điểm – vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm trong hai tháng liên tiếp.

Các hoạt động sản xuất tiếp tục tăng trong tháng 10 nhờ vào các điều kiện bên ngoài đã được cải thiện cũng như hoạt động FDI tăng lên. Mặc dù chỉ số PMI toàn phần không thay đổi vẫn ở mức 51,5 điểm, nhưng kết quả tháng 10 vẫn mạnh hơn với các chỉ số phụ đều tăng. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng tháng thứ hai liên tiếp. Nhân công việc làm cũng tăng do năng suất lao động vẫn chưa được cải thiện mạnh và triển vọng hoạt động sản xuất tăng nhanh trong những tháng tới.

Điều đáng nói là giá cả đầu vào giảm phản ánh tình hình lạm phát đã giảm tốc từ mức 6,3% trong tháng 9 xuống còn 5,9% trong tháng 10. Giá cả đầu vào giảm đã thể hiện rõ trong chỉ số CPI toàn phần tháng 10 của Việt Nam khi giảm từ mức 9,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái còn 8% trong tháng 10. Nguyên nhân chỉ số CPI giảm đa phần là nhờ vào chi phí vận chuyển và giáo dục thấp hơn.

Tuy nhiên, dù theo dự báo của Chính phủ thì tăng trưởng năm 2013 của Việt Nam vào khoảng 5,4%, nhưng các chuyên gia của HSBC nhận định,  tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm chạp. Tăng trưởng cả năm 2013 đang được kỳ vọng ở mức 5,2%. Năm 2014 mức tăng trưởng cũng chỉ có thể tăng trưởng nhẹ ở mức 5,4%.

“Sự suy giảm là một thực tế nghiêm túc cho thấy khủng hoảng nợ xấu của Việt Nam đã làm giảm ham muốn tiêu dùng và sức hấp dẫn của đầu tư”, báo cáo nêu rõ.

Nhu cầu trong nước vẫn còn chậm chạp sẽ giúp kiềm hãm áp lực lạm phát. Trong khi lĩnh vực xuất khẩu đã cảm nhận được lực đẩy từ nhu cầu nước ngoài, nhu cầu trong nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống ngân hàng đang bị đóng băng làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng đã tăng rất ít chỉ ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy vấn đề nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chưa được giải quyết hoàn toàn mặt dù Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) đang rất nỗ lực trong việc mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Kết quả là dẫn đến việc cho vay yếu và làm ảnh hưởng đến mức độ lạc quan của khối doanh nghiệp tư nhân.

Về vấn đề cải cách, báo cáo khẳng định: “Chìa khoá thành công là cần phải đưa lực lượng lao động dư thừa chưa được đào tạo và lực lượng lao động ở khu vực nông thôn trở thành nguồn lao động có năng suất cao hơn”.

Thêm nữa, Chính phủ cũng cần phải giải quyết những vấn đề chính yếu như vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cũng như hệ thống hạ tầng và nguồn lực con người.

"Thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan trọng vì năng lực cạnh tranh dựa vào lao động không thể nào tồn tại mãi mãi và đặc điểm này sẽ mất đi khi mức lương tăng lên", báo cáo cho biết.