Kinh tế 2014: Nắm chắc "dây cương"

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Nếu cơ chế, chính sách được thực hiện tốt thì năm 2014 được dự báo là thời điểm cộng hưởng phát huy tác dụng và tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đầu năm Giáp Ngọ, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Tạ Đình Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo Kinh tế - Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Kinh tế 2014: Nắm chắc "dây cương"
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Doanh nghiệp (DN) có cơ hội
 
Phóng viên: Thưa ông, đã có nhiều câu chuyện bàn rằng nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam trong 2014. Đó là cơ hội thu hút vốn đầu tư, các chính sách cải cách của Chính phủ… Nền kinh tế cũng đang chứng kiến những đổi thay. Đầu xuân Giáp Ngọ, chúng ta cố gắng nhìn lại toàn cảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như những điều cộng đồng này cần phải vượt qua?
 
Ông Tạ Đình Xuyên: Năm 2014 được dự báo là có phát triển khá hơn 2013. Kỳ vọng nền kinh tế bắt đầu đi lên từ đây. Nguyên nhân của những điều này là do tình hình sản xuất trong nước có biến chuyển, tồn kho giảm. Đương nhiên khi tồn kho giảm nhìn nhận ở điều khách quan, không phải là sức mua đã thật sự được cải thiện mà do nhiều doanh nghiệp giảm công suất. Về vấn đề đầu tư công, Bộ KH&ĐT cũng đang tư vấn Chính phủ đầu tư nhanh và hiệu quả để vốn không được chôn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang được đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ sự chuyển hướng khỏi Trung Quốc… Tất cả những điều này khiến cho DN có dấu hiệu để vận hành tốt hơn.
 
Nhưng cần nhớ lại rằng, năm 2013 có một con số liên quan tới cộng đồng DN: hơn 61 nghìn DN phải đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động. Các dư địa khó khăn của nền kinh tế không thể chặn đứt hoàn toàn trong năm 2014 này. Cộng đồng DN vẫn phải đối diện với sức mua thấp, khó khăn tiếp cận tín dụng. Hơn nữa, bản thân giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu (xăng dầu, phân bón, phôi thép…) trên thị trường thế giới biến động phức tạp. Vì vậy, giá các mặt hàng này ở Việt Nam sẽ biến động. Yếu tố đầu vào của doanh nghiệp không vững chắc thì DN phải thay đổi kế hoạch sản xuất. Hơn nữa thời gian gần đây, liên tiếp các chuyên gia cũng bàn về câu chuyện DN ngoại sẽ "ép phê” doanh nghiệp nội. Đó cũng là thách thức cho DN nội.
 
Vậy theo ông, đâu là điểm yếu nhất của DN? Nền kinh tế có điểm sáng nhưng đón bắt điểm sáng cũng không là việc dễ?
 
Đúng vậy. Nền kinh tế tạo ra cơ hội, và DN tận dụng được cơ hội hay không lại là chuyện khác. DN nắm thời cơ và chuẩn bị hành động như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào DN. Lật lại vấn đề chúng ta thấy rằng, DN Việt Nam rất yếu thông tin.
 
Trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, tôi có tham dự một hội thảo của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tôi thấy DN bắt đầu quan tâm tới thông tin. Có nghĩa là từ trước tới nay, 90% DN không quan tâm tới thông tin. Họ không mua các thông tin thị trường của các trung tâm dự báo. Do vậy, thông tin chúng tôi làm ra DN ít mua và chúng tôi cũng không thể bán được. Ví dụ, như các thành viên Hiệp hội Cà phê dường như chỉ quan tâm tới thị trường xuất khẩu cà phê nhân, còn thị trường cà phê vối, chồn… thì sao?
 
Khi tôi sang Hàn Quốc học tập mô hình sản xuất của tập đoàn Sam Sung. Tập đoàn này có Viện nghiên cứu Sam Sung xác định nhu cầu thị trường rất giỏi. Họ nghiên cứu thị trường Việt Nam còn xuất sắc hơn cả DN Việt Nam nghiên cứu về thị trường Việt Nam. Viện nghiên cứu Sam Sung này xác định thị trường Việt Nam đang cần sản phẩm ti vi gì? ứng với từng vị trí địa lý thói quen mua sắm loại ti vi gì cũng được định vị.

Chẳng hạn, với ti vi 3D có giá từ 18 – 20 triệu chỉ bán được tại các thành phố lớn. Nếu sản phẩm này đưa về "ba ông Tây” lại rất khó. Thậm chí không bán được. Hay như máy giặt cửa ngang có thể bán đại trà tại các thành phố, nhưng máy giặt cửa ngang thêm sấy khô chỉ có thể bán chạy ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, thâm niên DN Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ đã gần 10 năm. Nhưng tôi chắc chắn chẳng có DN xuất khẩu may mặc Việt Nam nào xác định được bang nào ở Mỹ thích sản phẩm nào, thiết kế áo ra sao. Các DN của Việt Nam chỉ quan tâm tới thị trường Mỹ cần lượng hàng đặt bao nhiêu mà thôi.
 
Tổ chức nghiên cứu quốc tế HSBC (Việt Nam) công bố chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI™) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 1/2014 tăng lên 52,1điểm. Trước đó, tháng 12/2013, chỉ số này chỉ đạt 51,8 điểm. Sự bật dậy đáng chú ý của lĩnh vực sản xuất phản ánh nhu cầu đã mạnh lên cả ở trong nước và nước ngoài. Việc làm tiếp tục tăng cho thấy, các nhà sản xuất lạc quan về triển vọng tăng trưởng?
 
Đúng là sức tiêu dùng dần dần khôi phục. Nền kinh tế nội địa được dự báo tăng trưởng tốt hơn thì tổng cầu tăng.
 
Hơn nữa, bên ngoài yếu tố ngoại cũng đang có sự thay đổi. Ngân hàng thế giới WB vào ngày 14/1 vừa qua công bố báo cáo cho thấy, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, 3,4% trong năm 2015, và 3,6% trong năm 2016, từ mức tăng 2,4% đạt được trong năm 2013. Hầu hết sự tăng tốc này được dự kiến sẽ đến từ các nền kinh tế thu nhập cao. Và khi những nước lớn thuộc khối EU phục hồi thì DN Việt Nam cũng được hưởng lợi. Kéo theo là thị trường xuất khẩu được tái thiết, các dòng vốn đang chảy chậm sẽ được tăng tốc lên.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục được thực hiện linh hoạt, phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu Ngân sách Nhà nước năm 2014 Quốc hội đã quyết định, đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

 
Nhìn rõ các áp lực phải trả giá
 
Hiện nay, các dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn. Năm 2014 sẽ còn tiếp tục có những thách thức. Vì thế, đòi hỏi phải kịp thời có các giải pháp, bởi nếu không có sự chuẩn bị thì DN sẽ khó cạnh tranh được ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp, cơ chế hữu hiệu thúc đẩy cải cách DN Nhà nước”?
 
Chúng ta có giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng. Chẳng hạn như giảm thuế, miễn thêm thuế. Dư địa chính sách chúng ta đã tới giới hạn rồi. Điều tôi thấy thiết yếu là các bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể để DN ngành mình tham gia thị trường như thế nào để đạt hiệu suất tốt. Còn riêng về vấn đề cải cách DN nhà nước, quan điểm của tôi là: "cái gì tư nhân làm được thì nhà nước không nên làm, cái gì tư nhân không muốn làm thì nhà nước làm”.
 
Năm 2014, viễn cảnh ngoại thương được nhìn khá đẹp. Nhiều người kỳ vọng vào những hiệp định thương mại Việt Nam đã và đang hướng tới như Hiệp định đối tác xuyên thái Bình Dương (TPP)… Đây sẽ là điều kiện hấp dẫn để ngành sản xuất trụ cột dệt sợi và may mặc phát triển?
 
Ngành dệt may và may mặc trước mắt theo phân tích có thể được hưởng lợi do thuế suất giảm. Nhưng chúng ta biết có 2 phân loại DN chế tạo cơ bản: DN sáng tạo, thiết kế sản phẩm và DN chế tạo toàn bộ sản phẩm hoặc chế tạo 1 phần (sản xuất đồ linh kiện điện tử). Phía DN sáng tạo của mình dường như rất ít. Trong khi đó, DN chế tạo 1 phần lại rất nhiều.

Hơn nữa, nhiều sản phẩm do chính DN mình sản xuất ra lại không đáp ứng đủ quy cách, tiêu chuẩn chất lượng. Chúng ta xuất khẩu 1 cái áo, nhưng nếu như cái cúc, hay vải chúng ta nhập khẩu nguyên liệu từ nước không nằm trong khối TPP thì chúng ta cũng không được quyền hưởng lợi thuế suất. Cũng giống như Việt Nam có DN sản xuất lốp xe, nhưng hãng xe Honda hay Vespa chẳng mua lốp của DN Việt Nam, vì chỉ tiêu chất lượng của ta chưa đạt. Chúng ta phải tự biết được điểm yếu của mình để khắc phục.
 
Trân trọng cảm ơn ông!