Kinh tế tư nhân: Chìa khóa của tăng trưởng

Theo daibieunhandan.vn

“Chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam nằm ở kinh tế tư nhân. Các “cỗ máy” tăng trưởng ở các thành phố, tỉnh cũng chủ yếu là kinh tế tư nhân. Tư nhân làm tốt thì Nhà nước phải tạo điều kiện để phát triển. Vì vậy Chính phủ sẽ phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 diễn ra sáng 31/7, tại Hà Nội.

Kinh tế số, nông nghiệp và du lịch là 3 lĩnh vực chính được đề cập tại hội nghị diễn đàn năm nay. Nguồn: Internet
Kinh tế số, nông nghiệp và du lịch là 3 lĩnh vực chính được đề cập tại hội nghị diễn đàn năm nay. Nguồn: Internet

Niềm tin được cải thiện

Mở đầu phiên thảo luận, Ban Tổ chức diễn đàn đã thực hiện thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp (DN) tư nhân có mặt tại hội trường về những mong muốn của mình trong các thông điệp của Chính phủ kỳ vọng về một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ kiến tạo hay một Chính phủ hành động. Kết quả cho thấy 65% ý kiến chọn “hành động”, 24% chọn liêm chính và 11% chọn “kiến tạo”.

Nói về lựa chọn này của giới doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, với 25 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại với DN, những buổi làm việc chuyên đề… một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật đã được ban hành.

Những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế được nhận diện và xử lý. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin DN có xu hướng cải thiện rõ nét. Đây chính là những biểu hiện rõ ràng, cụ thể nhất của Chính phủ “hành động” theo mong muốn của cộng đồng DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, muốn hành động thì cần nhìn vào tương lai. Đồng thời, để nhìn nhận về tương lai của Việt Nam, Thủ tướng nhắc lại đánh giá của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim năm 2014: “Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng, nhờ vào những nhà lãnh đạo, những DN tư nhân và vào người dân, cũng như vị trí địa lý nằm trong khu vực kinh tế năng động ở Đông Á. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, thì thành công sẽ nối tiếp thành công, và hàng triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội có được những việc làm tốt và cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước”.

Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP đều ở mức trên 43%. Khu vực này thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, số lượng DN tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số DN thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 DN. Nhiều thương hiệu của khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành, được ghi nhận tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao.

 “Với mỗi đơn vị bổ sung thì doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu nhiều hơn gấp 3 lần doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm ở khu vực kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, Nghị quyết Trung ương 5 mở ra chương mới, trong đó điều gì DN tư nhân làm tốt thì Nhà nước sẽ khuyến khích cho DN tư nhân thực hiện.

Khẳng định Chính phủ và các địa phương luôn lắng nghe ý kiến của các DN, trong đó có khu vực tư nhân, Thủ tướng cho rằng, đây không chỉ là động lực mà còn là “đầu kéo” quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những “cỗ máy” tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố với tiềm năng thế mạnh riêng có chủ yếu từ kinh tế tư nhân.

Một vấn đề được đại diện khu vực tư nhân đặt ra cho Chính phủ là chi phí lao động của DN hiện rất lớn, chiếm tới 34% chi phí sản xuất, gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Bên cạnh đó, theo đánh giá của WB, hiện chi phí xuất nhập khẩu, logistics của Việt Nam chiếm tới 23% GDP, cao hơn mức 10% so với các nước trong khu vực.

Chủ tịch Nhóm công tác nông nghiệp Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị, điều mà các DN cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi DN đầu tư như thủ tục tiếp cận thuê đất, thủ tục mua máy móc công nghệ hay thủ tục về thuế. Ngoài ra DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro nên chính sách về thuế cần phải khác.

Chia sẻ về hướng phát triển của ngành du lịch, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, sẽ mang về khoảng 35 tỷ USD thì chính sách về visa hay xúc tiến du lịch cần thay đổi.

Vì vậy ông Kỳ đề nghị, Chính phủ cần tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành bằng việc đầu tư xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; xúc tiến du lịch; có các chính sách về visa phù hợp. Chính sách của Chính phủ cần có độ mở, trong đó có visa và xúc tiến du lịch và chính sách về kinh tế nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Lắng nghe các ý kiến của cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình rằng hiện còn nhiều bất cập trong chi phí DN, ví dụ chi phí bến bãi, chi phí lãi vay ngân hàng hay chi phí không chính thức. Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí, để hiệu quả đầu tư của DN tốt hơn nữa.

Như mới đây là việc tất cả các ngân hàng thương mại giảm lãi suất. “Chi phí khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục rà soát để giảm hơn nữa, tạo điều kiện cho DN thành công nhiều hơn nữa”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng mong muốn thông qua đối thoại sẽ là cơ sở để Chính phủ đưa ra chương trình hành động hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, đưa kinh tế tư nhân phát triển đúng tầm.