Kinh tế Việt Nam đi lên nhờ toàn cầu hóa

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Trong khi chủ nghĩa toàn cầu hóa đang tan vỡ trên toàn thế giới, Việt Nam dường như lại đang chiến thắng nhờ xu hướng này.

Nền kinh tế toàn cầu hóa của Việt Nam là kết quả của chính sách tập trung phát triển xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Nguồn: internet
Nền kinh tế toàn cầu hóa của Việt Nam là kết quả của chính sách tập trung phát triển xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Nguồn: internet

Xu hướng toàn cầu hóa đang trải qua một gia đoạn hết sức khó khăn. Hàng loạt biến động gần đây đã khiến thế giới càng chia rẽ như Brexit, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hay gần đây nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Từ 60% trong năm 2011, hoạt động thương mại so với GDP toàn cầu chỉ đạt 56% năm 2016.

Thế nhưng, theo Quartz, tình hình toàn cầu hóa ở Việt Nam lại sáng sủa hơn hẳn. Năm 2017, tỷ lệ thương mại so với GDP của Việt Nam đạt tới hơn 200%. Đây là con số cao nhất trong nhóm những nước có trên 50 triệu dân trong khảo sát của World Bank tính từ năm 1960. Trong nhóm 20 quốc gia đông dân nhất thế giới, Việt Nam đã vượt hẳn so với quốc gia đứng vị trí thứ hai là Thái Lan, với 122%.

Tỷ lệ trên được tính toán bằng cách cộng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu sau đó chia cho GDP. Những quốc gia hay vùng lãnh thổ đạt tỷ lệ cao thường là những nơi tuy có diện tích nhỏ nhưng giàu có. Hồng Kông, Singapore hay Luxembourg đều đạt tỷ lệ hơn 300%. Doanh nghiệp tại những nơi này sản xuất hàng hóa chủ yếu để phục vụ xuất khẩu vì thị trường nội địa quá nhỏ bé. Nhưng trong nhóm những quốc gia có lớn hơn, Việt Nam trở nên rất nổi bật.

Nền kinh tế toàn cầu hóa của Việt Nam là kết quả của chính sách tập trung phát triển xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam cung cấp thị trường lao động giá rẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và nhanh chóng trở thành nơi tập trung các xí nghiệp sản xuất chi phí thấp. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu hàng điện tử và may mặc. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường lớn nhất của những mặt hàng này.

Trang Quartz cũng có những phân tích lạc quan khác về tình hình phát triển nêu trên. Theo đó tỷ lệ GDP trên đầu người ở Việt Nam tăng từ 1.500 USD năm 1990 đến khoảng 6.500 USD ở thời điểm hiện tại. Trái với những nền kinh tế phát triển nóng khác, sự thịnh vượng của Việt Nam được cho phân bố khá đồng đều. Số người thuộc nhóm siêu nghèo giảm từ 70% trong thập niên 90 xuống còn 10% năm 2016. World Bank đánh giá chính những cơ hội việc làm được tạo ra từ hoạt động thương mại đã đem tới chuyển biến đáng kinh ngạc này.

Người dân Việt Nam hoàn toàn ý thức được lợi ích mà toàn cầu hóa đem lại. Theo một nghiên cứu của Pew năm 2014, 95% người Việt cho rằng “thương mại là tốt”.

Dù toàn cầu hóa đã mang lại nhiều điều tốt đẹp cho Việt Nam, nhưng một nền kinh tế quá hội nhập vẫn tiềm tàng nhiềm mối nguy. Nếu Mỹ hay Trung Quốc chọn cách “đóng” nền kinh tế của mình, Việt Nam có thể gặp rắc rối, theo Quartz. Những quốc gia tương tự như Nigeria hay Philippines không quá phụ thuộc vào các chính sách kinh tế của những nước lớn, vì họ tập trung cho thị trường nội địa nhiều hơn.