Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực

Theo Phương Linh/thoibaonganhang.vn

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu 3,39 tỷ USD; mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối đạt 63 tỷ USD... Đó là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm mà các thành viên Chính phủ đã chỉ ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 (Ảnh: VGP)

Lạm phát thấp, lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 3/5, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 trong bối cảnh chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2018 và trước khi Hội nghị lần thứ 7 Trung ương khóa XII, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,8%); lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,62%).

Trong khi sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) 4 tháng ước tăng 11,4%, cao hơn so với mức tăng của 4 tháng năm 2017 (6,6%); trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và phục hồi rõ nét, do điều kiện thời tiết thuận lợi.

Một điểm sáng nữa là xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao với tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; nhờ đó giúp cán cân thương mại thặng dư tới 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Về thị trường tiền tệ - ngoại hối, Chính phủ đánh giá, mặt bằng lãi suất, tỷ giá /tiếp tục được duy trì ổn định. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỷ USD, có nghĩa trong hơn 2 năm qua chúng ta đã mua thêm 32 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối quốc gia.

Theo dõi sát tình hình để có quyết sách phù hợp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số CPI 4 tháng đầu năm tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có xu hướng giá dầu thô tăng (giá dầu có lúc đạt đến 72 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014).

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công thấp (4 tháng vốn giải ngân chỉ đạt 16,4% dự toán, cùng kỳ năm 2017 đạt 22,3% dự toán). Trong khi vốn FDI đăng ký mới có xu hướng giảm trong bối cảnh Mỹ và các đối tác giảm mạnh thuế suất thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư về nước. Cụ thể, mặc dù vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng 6,3%, nhưng vốn đăng ký cấp mới giảm 27,2% so với cùng kỳ, vốn đăng ký tăng thêm giảm 48,6% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, Chính phủ lưu ý môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn nữa khi mà nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh còn có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng toàn cầu như gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp…

Cho rằng nhiệm vụ thời gian tới của năm 2018 là hết sức nặng nề trong bối cảnh tình hình khu vực và trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường, nhất là xu hướng bảo hộ bùng phát…, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn trên thế giới, trong khu vực và tình hình thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các  thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính …

Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay (các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Quan tâm, đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, không để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn...

 

Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số nội dung quan trọng: (1) Đánh giá tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018; (2) thảo luận một số vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế như dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018; việc quản lý, sử dụng viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; (3) công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và một số nội dung khác.