Kỳ vọng gia tăng đầu tư ra nước ngoài

Theo Quang MInh/baodauthau.vn

Sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư và doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư. Với nhiều lợi ích, hoạt động này đang được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Có hơn 40% DN “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới. Nguồn: internet
Có hơn 40% DN “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới. Nguồn: internet

22 tỷ USD đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Theo kết quả khảo sát Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 của Vietnam Report, có hơn 40% DN “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới. Các thị trường mà DN đưa vào “tầm ngắm” đầu tư là Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Các mục tiêu lớn này bắt nguồn từ những thành quả đáng khích lệ sau gần 30 năm DN Việt thực hiện đầu tư ra nước ngoài, khai phá và chinh phục nhiều thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Venezuela, Cuba, Peru, Mozambique...

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực, khẳng định sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ của nhiều DN Việt tại thị trường quốc tế. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện Việt Nam có gần 1.200 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 22 tỷ USD.

Riêng quý I/2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 123,6 triệu USD; bên cạnh đó có 5 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm là 25,9 triệu USD. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài trong quý I đạt gần 150 triệu USD. Đã có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư của Việt Nam trong quý I/2018, trong đó đầu tư vào Lào chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 17,3%; Cuba chiếm 13,3%.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đánh giá, kết quả đầu tư ra nước ngoài nêu trên cho thấy một động thái tích cực của các DN Việt trong việc sẵn sàng dốc vốn vào những thị trường nước ngoài có tiềm năng, hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Hiện tại, xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam như Lào, Campuchia... và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược Việt Nam có kinh nghiệm như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông...

Về hiệu quả của đầu tư ra nước ngoài, ông Toàn cho rằng, đây là hoạt động có nhiều tiềm năng và phù hợp xu hướng hội nhập, nhất là trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ tham gia. Chính hoạt động này sẽ giúp các DN Việt Nam tăng cơ hội tiếp cận, phản ứng nhanh nhạy hơn với biến động thị trường và chính sách, các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp thương mại và khác biệt văn hóa trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. 

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, bên cạnh tiềm lực tài chính, năng lực triển khai dự án của DN, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ chính là “bệ phóng”, tạo động lực mạnh mẽ cho DN Việt vươn ra thị trường đầu tư thế giới với quy mô lớn và tầm nhìn chiến lược.

“Hành lang pháp lý quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn, với nhiều quy định mang tư duy mới như: Các nhà đầu tư và DN thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền đầu tư ra nước ngoài; tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh; hay yêu cầu giảm thiểu các quy định mang tính “xin - cho” hoặc “phê duyệt” bất hợp lý, không cần thiết, trái với nguyên tắc tự do kinh doanh... đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở rộng địa bàn đầu tư, kinh doanh”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.

Hiện tại, theo thống kê, nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai... Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu vào khai khoáng; nông lâm nghiệp; thông tin - truyền thông; chế biến, chế tạo; bất động sản; tài chính - ngân hàng.

Trong điều kiện nguồn lực tài chính trong nước còn hạn chế, phải tăng cường gọi vốn đầu tư nước ngoài, việc thúc đẩy DN Việt đầu tư tới các quốc gia khác đã có lúc nhận ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần chủ động mở cửa đầu tư ra nước ngoài nhằm bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế từ bên ngoài cho phát triển kinh tế trong nước. Mặt khác, đầu tư ra nước ngoài thành công sẽ giúp củng cố vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.