Kỳ vọng xuất khẩu hạt tiêu đạt 1 tỷ USD

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Hạt tiêu không “bé hạt tiêu”, bởi xuất khẩu hạt tiêu đang hướng tới mốc 1 tỷ USD trong năm nay và giúp cho một số địa phương xoá đói giảm nghèo.

Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong 9 tháng 2013 đạt quy mô khá. Nguồn: internet
Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong 9 tháng 2013 đạt quy mô khá. Nguồn: internet

Từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thống kê, có thể nhận diện về kim ngạch và lượng hạt tiêu xuất khẩu qua một số năm.

BIỂU ĐỒ KINH NGẠCH XUẤT KHẨU HẠT TIÊU QUA MỘT SỐ NĂM (Đơn vị: triệu USD)
 Kỳ vọng xuất khẩu hạt tiêu đạt 1 tỷ USD - Ảnh 1
                                                        Nguồn: Tổng Cục thống kê

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu năm 2012 đã cao gấp trên 74 lần năm 1986, bình quân 1 năm tăng 18,2%. Đó là tốc độ tăng khá cao đối với một mặt hàng nông sản, ban đầu chủ yếu chỉ được coi là “vườn nhà”, có tính chất tận dụng đất trống, mấy người nghĩ đến xuất khẩu ra thị trường thế giới; mặt hàng này còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Hơn thế nữa, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam năm 2012 còn vượt qua Ấn Độ - quốc gia giữ kỷ lục trong nhiều năm – lên đứng đầu thế giới!

Tốc độ tăng và quy mô đạt khá như trên lại càng có ý nghĩa, khi xuất khẩu hạt tiêu chủ yếu đạt được ở những tỉnh như Bình Phước, Đắk Lắk, Quảng Trị, Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu (chủ yếu ở Bà Rịa), Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên, Nghệ An – là những địa phương hoặc là có lợi thế về đất đai, có kinh nghiệm trồng, chăm sóc, hoặc là có nhu cầu cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thoát nghèo,…

Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong 9 tháng 2013 đạt quy mô khá, cao hơn mức xuất khẩu của cả năm 2011 (732,2 triệu USD) và gần bằng với mức của cả năm 2012. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước đạt 18%, tuy thấp hơn tốc độ tăng của năm 2011, nhưng đã cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng của năm 2012; cao hơn nhiều tốc độ tăng của xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản (0,5%), cao hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (15,7%).

Với quy mô xuất khẩu của 9 tháng, nếu bình quân 1 tháng trong 3 tháng cuối năm đạt được bằng mức bình quân 1 tháng trong 9 tháng năm 2013, thì kỳ vọng cả năm 2013 kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sẽ đạt mốc 1 tỷ USD. Nếu dự báo trên là đúng, thì kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu năm 2013 lần đầu tiên đạt mốc 1 tỷ USD, bổ sung thành viên vào “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (năm 2012 đã có 23 thành viên).

Có nhiều nguyên nhân làm cho xuất khẩu hạt tiêu đạt được kết quả tích cực như trên.

Có nguyên nhân quan trọng thuộc về sản xuất. Diện tích gieo trồng cây hồ tiêu đã được mở rộng khá nhanh qua các năm. Nếu năm 1986, diện tích hồ tiêu mới đạt 3.900 ha, năm 1995 đạt 7.000 ha, năm 2000 đạt 27.900 ha, thì năm 2005 đạt 49.100 ha, năm 2010 đạt 51.300 ha, năm 2012 đạt 58.900 ha. Năm 2012 so với năm 1986 diện tích gieo trồng hồ tiêu đã cao gấp 15,1 lần, bình quân 1 năm tăng trên 11%. Đó là tốc độ tăng rất cao đối với một cây nông nghiệp, chủ yếu do hiệu quả của cây hồ tiêu.

Diện tích cho sản phẩm của cây hồ tiêu cũng đã tăng liên tục với tốc độ cao: Nếu năm 1995 mới có 5.200 ha, năm 2000 đạt 44.300 ha, năm 2012 ước đạt 49.000  ha, năm 2012 so với năm 1995, diện tích cho sản phẩm của cây hồ tiêu cao gấp 9,4 lần, bình quân 1 năm tăng 14,1%- cao hơn tốc độ tăng của diện tích gieo trồng (tương ứng là 8,4 lần và tăng 13,3%/năm). Sản lượng thu hoạch của cây hồ tiêu năm 2012 đạt 113.000 tấn, cao gấp 31,4 lần năm 1986, bình quân 1 năm tăng 14,2%, cao hơn tốc độ tăng của diện tích gieo trồng, của diện tích cho sản phẩm.

Điều đó chứng tỏ, kết quả xuất khẩu của hạt tiêu đã hấp dẫn người dân, không những tích cực mở rộng diện tích, mà còn tích cực chăm sóc tốt các vườn cây hồ tiêu để có năng suất thu hoạch cao hơn.

Đi theo với yếu tố về diện tích, sản lượng thu hoạch là lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng lên qua các năm.

LƯỢNG HẠT TIÊU XUẤT KHẨU QUA MỘT SỐ NĂM (Đơn vị: nghìn tấn)
 Kỳ vọng xuất khẩu hạt tiêu đạt 1 tỷ USD - Ảnh 2
                                                                  Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Theo đó, năm 2012 so với 1986, lượng hạt tiêu xuất khẩu cao gấp 37,7 lần, bình quân 1 năm tăng 15%. Như vậy, năm 2012 so với năm 1986 kim ngạch xuất khẩu cao gấp 77 lần, trong khi đó lượng xuất khẩu cao gấp 37,7 lần. Điều đó chứng tỏ giá xuất khẩu năm 2012 cao gấp gần 1,9 lần năm 1986. Nói cách khác, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu tăng, ngoài nguyên nhân do lượng xuất khẩu tăng, còn do nguyên nhân giá xuất khẩu tăng.

Giá xuất khẩu, nếu năm 1986 mới đạt 3.322,6 USD/tấn, thì năm 2000 đạt 4.260 USD/tấn, năm 2012 đạt 6.794,5 USD/tấn. Chín tháng đầu năm 2013 tuy giá có giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,7%), nhưng giá vẫn còn khá cao (6.619 USD/tấn, cao gấp đôi năm 1986, cao gấp 1,6 lần năm 2000).

Mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 23 thị trường đạt trên 1.000 tấn (Hoa Kỳ, Đức, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Hà Lan, Singapore, Ai Cập, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Pakistan, Hàn Quốc, Philippines, Ukraine, Ba Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Italy, Nam Phi, Australia, Canada, Thái Lan). Đáng lưu ý, 3 thị trường đạt trên 10.000 tấn là: Hoa Kỳ 16.930 tấn, CHLB Đức 10.760 tấn, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất 10.310 tấn. Đó cũng là những thị trường lớn nhất trong 9 tháng năm 2013.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hạt tiêu, cần có quy hoạch dài hạn nhằm phát triển bền vững cây hồ tiêu; đẩy mạnh chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu và tiếp tục mở rộng thị trường, trong đó có những thị trường lớn. Hạt tiêu sẽ không còn “bé hạt tiêu” nếu năm nay kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sẽ vượt qua mốc 1 tỷ USD.