Lộ trình hội nhập tài chính của Việt Nam trong ASEAN

An Khánh

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cùng với các nước đã ký kết Gói cam kết thứ 6 (năm 2015) về dịch vụ tài chính và đang trong quá trình đàm phán Gói cam kết thứ 7 với mục tiêu hoàn thành Gói 7 trong năm 2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tự do hóa lưu chuyển dịch vụ thuế, kế toán kiểm toán và dịch vụ tài chính

Trong dịch vụ thuế, kế toán và kiểm toán, Việt Nam mở cửa hoàn toàn, tức là đã dỡ bỏ các hạn chế đối với 3 phương thức cung cấp dịch vụ cung cấp qua biên giới; tiêu dùng ở nước ngoài; hiện diện thương mại. Việt Nam không cam kết đối với phương thức di chuyển thể nhân

Trong ngành dịch vụ tài chính (dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm), tuy dịch vụ tài chính không được chính thức phân loại là dịch vụ ưu tiên hội nhập nhưng cũng là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và thương mại. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cùng với các nước đã ký kết Gói cam kết thứ 6 (năm 2015) về dịch vụ tài chính và đang trong quá trình đàm phán Gói cam kết thứ 7 với mục tiêu hoàn thành Gói 7 trong năm 2016. Cam kết của Việt Nam trong Gói cam kết 6 ngang bằng cam kết GATS của WTO do mức độ mở cửa của ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam hiện khá cao. Việt Nam vẫn duy trì các hạn chế đối với các dịch vụ về bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đặc biệt là các yêu cầu về năng lực vốn, hình thức hiện diện thương mại, hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong Gói cam kết 6 về dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm, so sánh với mặt bằng ASEAN nói chung, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam với mức độ mở cửa gần như cao nhất trong các nước ASEAN, đặc biệt đối với lĩnh vực bảo hiểm. Đối với lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biến giới với đối tượng sử dụng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các lĩnh vực mở cửa bao gồm bảo hiểm vận tải quốc tế, tái báo hiểm, môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm và các dịch vụ phụ trợ. Việt nam cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty bảo hiểm có 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam không cho phép thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước tại Việt Nam trừ chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ. Đối với lĩnh vực chứng khoán, Việt Nam chỉ cho phép nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với các dịch vụ chuyển thông tin, dịch vụ tư vấn và dịch vụ phụ trợ.

Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại dưới hình thức văn phòng đại diện và liên doanh. Giới hạn vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không quá 49%, tuy nhiên, được phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đối với việc thành lập chi nhánh, Việt Nam chỉ cho phép thành lập chi nhánh của các công ty chứng khoán nước ngoài cung cấp một số dịch vụ nhất định gồm các phân ngành dịch vụ quản lý tài sản, các dịch vụ thanh toán và thanh toán bù trừ, cung cấp và chuyển thông tin tài chính, tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ. Việt Nam không cam kết đối với phương thức di chuyển thể nhân.

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN đã được các nước thành viên ASEAN ký kết ngày 25/8/2014 nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các nước thành viên ASEAN của các chuyên gia cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán, theo đó, kế toán viên đăng ký và được chứng nhận ở một nước ASEAN về việc đáp ứng một số tiêu chí chuyên môn sẽ được công nhận là kế toán viên của khu vực ASEAN.

Về phía Việt Nam, lợi ích mang lại ở việc kiểm toán viên của Việt Nam sẽ được các nước trong khu vực thừa nhận về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và khi có đủ điều kiện theo quy định của Thỏa thuận thì sẽ được đăng ký có tên trong danh bạ kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN, được sang làm việc tại các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán của các nước trong khu vực nếu đủ điều kiện.

Tự do hóa hơn lưu chuyển vốn

Việt Nam đang tham gia các sáng kiến trong khuôn khổ Nhóm công tác về Phát triển thị trường vốn ASEAN, tập trung vào thị trường trái phiếu và Diễn đàn phát triển thị trường vốn ASEAN tập trung vào thị trường chứng khoán.

Các sáng kiến này đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường hội nhập thị trường tài chính trong khu vực thông qua những sáng kiến quan trọng như Chuẩn mực công bố thông tin ASEAN đối với chứng khoán nợ và cổ phiếu, Khung rà soát đối với cổ phiếu niêm yết thứ cấp, Kết nối Giao dịch ASEAN, Thẻ điểm Quản trị Doanh nghiệp ASEAN lần thứ 4, và biên bản Ghi nhớ thành lập Khung rà soát về Bản cáo bạch chung ASEAN. Những sáng kiến này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng cường các dòng vốn tự do hơn, kết nối hơn nữa các thị trường vốn ASEAN và tăng cường đầu tư trong khu vực ASEAN. ASEAN cũng đã triển khai Khung khổ ASEAN về Chào bán qua biên giới quỹ đầu tư tập thể cho phép một nước chào bán các sản phẩm quỹ đầu tư tập thể tại các nước ký kết.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước ASEAN đã xây dựng Kế hoạch phát triển Hạ tầng cơ sở thị trường vốn ASEAN nhằm giúp các nước thành viên xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở thị trường vốn hướng tới các chuẩn mực chung ASEAN, trong đó tận dụng mô hình cơ sở hạ tầng kết nối sẵn có của các sở giao dịch Thái Lan, Malaysia và Singapore nhằm tiết giảm chi phí và tăng tính hiệu quả, tăng cường hơn nữa kết nối các thị trường vốn ASEAN.

Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN thành lập cơ chế liên kết thông tin giữa các Sở Giao dịch chứng khoán như website chung, thông tin về các mã cổ phiếu ASEAN, hợp tác trong lĩnh vực marketing – truyền thông về chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham gia các sáng kiến khu vực ASEAN về sáng kiến Quản trị Công ty ASEAN thông qua Báo cáo thẻ điểm Quản trị công ty ASEAn được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao các chuẩn mực về quản trị công ty của các công ty niêm yết trong khu vực.