Logistics Việt Nam: Thời kỳ rộng mở

ThS. Đỗ Xuân Quang

(Tài chính) Từ 11/1/2014, Việt Nam sẽ “mở rộng” cánh cửa theo cam kết WTO cho hầu hết các phân ngành liên quan đến dịch vụ logistics và các doanh nghiệp (DN) nước ngoài kinh doanh logistics tại Việt Nam. Đây là một cơ hội lớn để ngành logistics Việt Nam phát triển song cũng đặt ra những thách thức mới.

Logistics Việt Nam: Thời kỳ rộng mở
Việt Nam sẽ “mở rộng” cánh cửa theo cam kết WTO cho hầu hết các phân ngành liên quan đến dịch vụ logistics và các DN nước ngoài kinh doanh logistics tại Việt Nam. Nguồn: internet
Những điểm "nghẽn" cần tháo gỡ

Thời gian qua, ngành dịch vụ logistics của nước ta đã có những bước phát triển cả về chất lẫn về lượng, bước đầu đạt được một số kết quả khích lệ. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá qua chỉ số năng lực hoạt động (LPI) của Việt Nam đứng thứ 53 trên 155 nước khảo sát và đứng thứ 5 khu vực ASEAN (2012). Tốc độ phát triển thị trường dịch vụ logistics trung bình đạt từ 15-20%/năm.

Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn khá cao, chiếm tới 20-25% GDP cả nước. Đây cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành, lãng phí nhiều nguồn lực trong nước và hạn chế sự cạnh tranh  hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Nguyên nhân trước tiên tác động đến sự phát triển của logistics là cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam bao gồm 26 sân bay, trong đó 8 sân bay có đường băng dài 3.000m có khả năng đón nhận các máy bay lớn, 3.200km đường sắt quốc gia, khoảng 17.300km quốc lộ, 49 bến cảng với 217 cầu cảng đang là cơ hội tốt để ngành logistics phát triển.

Trong những năm qua Chính phủ đã dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển. Hệ thống cảng biển Việt Nam cũng đã và đang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, trang thiết bị xếp dỡ hiện đại. 

Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất trong hạ tầng giao thông vận tải là thiếu kết nối đa phương thức, kể cả các khu cảng hiện đại với vùng hậu phương sau cảng, còn tùy thuộc quá nhiều vào đường bộ với tình trạng chung nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng.

Tiếp đến, khung thể chế và pháp luật về logistics điều chỉnh các hoạt động logistics mặc dù tương đối đầy đủ, gần đây có bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật có tính chất định hướng như quy hoạch, chiến lược phát triển  liên quan đến ngành dịch vụ logistics cho các thời kỳ 2020, tầm nhìn 2030, nhưng qua thời gian hội nhập khu vực và quốc tế một số quy định pháp luật về logistics hiện nay đã không còn phù hợp, thiếu cập nhật các định chế cần thiết trong lĩnh vực logistics quốc tế từ đó chưa tạo thị trường dịch vụ logistics minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển bền vững.

Nguyên nhân của tình hình trên một phần lớn do thiếu đầu mối quản lý thống nhất ngành dịch vụ logistics và chậm thể chế hóa, cập nhập hóa các thể chế chính sách phù hợp xu thế phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói riêng cũng như nền kinh tế thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, nhà cung cấp dịch vụ của cả nước có khoảng 1.200 DN  chủ yếu tập trung tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Trừ các DN Nhà nước được cổ phần hóa, còn lại đa số các DN có quy mô nhỏ và vừa, vốn điều lệ bình quân  khoảng  4-6 tỷ đồng và nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành còn rất thấp (5-7%) .

Có trên 25 DN logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chiếm tới 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics của nước ta. Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn như là nhà thầu phụ trong dây chuyển cung ứng logistics quốc tế.

Đồng thời, khi nói đến đối tượng sử dụng dịch vụ logistics như các công ty thương mại, các DN xuất nhập khẩu, các DN chế biến sản xuất của Việt Nam, nhìn chung, chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là các công đoạn còn lại từ cảng trong nước đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Kết quả là logistics thường được đồng nhất với việc vận tải đơn giản và việc thuê ngoài logistics vẫn chưa trở thành thói quen chưa kể đến việc ứng dụng logistics trong quản trị sản xuất, chế biến… đã làm chi phí, giá thành sản phẩm hàng hóa cao, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để ngành logistics cất cánh

Để tạo cho DN logistics Việt Nam thế chủ động và vững vàng trong thời kỳ mới, theo tôi, cần chú trọng vào các nhóm giải pháp sau:

Trước tiên cần thành lập Ủy ban Quốc gia về Logistics như là một yêu cầu cấp bách theo đề xuất của nhiều tổ chức, cơ quan, các chuyên gia trong và ngoài nước tại nhiều diễn đàn và hội thảo. Ủy ban Quốc gia có vai trò “nhạc trưởng”, là đầu mối thực thi các chương trình, mục tiêu chung của ngành, tham gia tư vấn  quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Hoàn thiện khung thể chế pháp lý logistics minh bạch, phù hợp xu thế phát triển logistics đương đại, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam; cải cách thủ tục hải quan, thực hiện một cửa quốc gia, điện tử hóa khai quan, ứng dụng thương mại điện tử…

Các Hiệp hội trong ngành cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo huấn luyện tay nghề cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo với tỉ lệ cao hơn hiện nay (mục tiêu 50%  qua đào tạo nghề đến năm 2020);  có chương trình hành động khả thi và hiệu quả  nhằm các gắn kết chặt chẽ các DN cung cấp dịch vụ logistics với  nhau và với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, các DN cung cấp dịch vụ logistics phải là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình nâng cao năng lực của mình dựa trên các chính sách của Chính phủ và sự hỗ trợ của Hiệp hội. Đó là, nâng cao dịch vụ, liên kết hợp tác tạo ra các chuỗi dịch vụ có giá trị gia tăng. Đầu tư hoặc hợp tác vốn, công nghệ thông tin trở thành tổ hợp cung cấp dịch vụ logistics 3PL (integrated logistics service).

Ngoài ra, các DN sử dụng dịch vụ logistics có thể tham gia các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội chủ hàng để được chia sẻ thông tin, tư vấn, trang bị thêm kiến thức ngoại thương, hợp đồng mua bán, Incoterm, bảo hiểm, thanh toán quốc tế, quản trị logistics, quản lý chuỗi cung ứng. Lựa chọn nhà cung cấp phù hợp để thuê ngoài dịch vụ logistics. Tái cấu trúc chuỗi cung ứng ngày càng đáp ứng và cạnh tranh hơn.

Quan trọng nhất là các DN logistics, các DN vận tải biển (kể cả doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng) phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các DN xuất nhập khẩu, nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.               

Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP, cơ hội và tiềm năng rất lớn đang mở ra cho nền kinh tế nói chung và từng ngành nói riêng trong đó có ngành logistics. Nhìn lại để đi tới… sẽ giúp ngành logistics Việt Nam cất cánh.