Lựa chọn chính sách phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra các lợi thế cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hút được nhiều vốn hơn và có những dự án chất lượng hơn, Việt Nam cần vận dụng những chính sách phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư.

Lựa chọn chính sách phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài
Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra các lợi thế cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư. Nguồn: internet
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào nước ta hơn 5,5 tỷ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013. Điểm đáng chú ý là các tỉnh khu vực phía Nam như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… có số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra ngày một gay gắt, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, dòng vốn FDI giải ngân đang có xu hướng chững lại trong mấy năm gần đây. Năm 2011 vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt gần 15,6 tỷ USD, giảm 21,6% so với năm 2010 nhưng lượng vốn giải ngân vẫn được duy trì ở mức 11 tỷ USD, ngang bằng với năm 2010. Đến năm 2012, lượng vốn đăng ký tăng 4,8%, đạt 16,35 tỷ USD, song lượng vốn giải ngân lại sụt giảm nhẹ, chỉ đạt 10,46 tỷ USD. Năm 2013, lượng vốn đăng ký lên tới 22,35 tỷ USD, tăng 36,7% so với năm 2012; vốn giải ngân cũng đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng trong việc thu hút FDI của Việt Nam vẫn kém nhiều quốc gia trong khu vực. Đồng thời, những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là những dự án nhỏ, những dự án lớn từ 100 triệu đến 500 triệu USD chỉ chiếm 1,51%, từ 500 triệu đến 1 tỷ USD chỉ chiếm 0,19% và trên 1 tỷ USD chiếm 0,2%.

Chia sẻ về những khó khăn trong thu hút đầu tư FDI, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã chỉ ra nhiều bất cập, chẳng hạn như: tiền đề thu hút FDI như hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ… chưa tốt. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, một số quy định hiện hành chưa phù hợp đối với chính sách ưu đãi đầu tư; vấn đề lao động và quản lý lao động nước ngoài, quy định về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp chưa rõ ràng, khó thực hiện; chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng.

Thẳng thắn nhìn nhận về những hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính về đầu tư - kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư – kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về FDI.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, để thu hút chất lượng các dự án đầu tư FDI, phải nhìn nhận đánh giá theo mục tiêu định thu hút. Ngoài việc thu hút về số lượng thì cần nhìn nhận thu hút đầu tư theo các chỉ tiêu khác, như: tạo ra ngoại tệ, chuyển giao công nghệ hay tạo công ăn việc làm. Đồng thời, việc tạo ra giá trị gia tăng nội địa không chỉ cho một doanh nghiệp mà còn tạo ra sự lan tỏa đối với cả khối doanh nghiệp trong nước và kết nối doanh nghiệp trong nước với giá trị toàn cầu.

Từ thực tế này, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tạo ra một số đột phá theo yêu cầu cải cách thể chế, thay đổi cách vận dụng các chính sách nhằm phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục được những khiếm khuyết hiện tại, tạo tiền đề để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn, cần cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính. Đi đôi với đó là cải thiện cơ sở hạ tầng; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật. Bên cạnh đó cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại...