M&A hậu Covid-19: Đón sóng trong sự thận trọng

Theo Thy Hằng/enternews.vn

M&A hiện vẫn đang “âm ỉ” để chờ thời điểm bứt tốc dù có sự sụt giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, trong tình hình mới, thị trường nổi lên lo ngại về khả năng “thâu tóm” giá rẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vào đầu năm 2020, nhiều dự báo về việc mua bán và sáp nhập (M&A) của Việt Nam sẽ rất sôi động sau nhiều thương vụ thành công của năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra đã và đang tác động rất lớn đến hoạt động này.  

Hiện Việt Nam đã xuất hiện thông tin về một số thương vụ lớn nhưng lại chủ yếu là thương vụ cũ, đã đàm phán từ các năm trước đến nay mới công bố. 

Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable), một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện lớn trong nước đã chính thức sáp nhập vào Tập đoàn Stark Corporation Public Company Limited và Phelps Dodge International (Thái Lan).

Cáp điện Thịnh Phát đã tiếp tục nối dài danh sách các doanh nghiệp Việt rơi vào tay hoặc nằm dưới sự điều hành của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cáp điện Thịnh Phát đã tiếp tục nối dài danh sách các doanh nghiệp Việt rơi vào tay hoặc nằm dưới sự điều hành của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thương vụ có tổng giá trị giao dịch lên đến hàng trăm triệu USD này được giới phân tích đánh giá là bước đi tắt của nhà đầu tư Thái Lan, nhằm tận dụng các nguồn lực sẵn có của ThiPha Cable để khai thác thị trường Việt Nam và khu vực Asean.

Cáp điện Thịnh Phát đã tiếp tục nối dài danh sách các thương hiệu doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh rơi vào tay hoặc nằm dưới sự điều hành của các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh Sabeco, Điện máy Nguyễn Kim, Nhựa Bình Minh…

Không riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trên thực tế, tình hình cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng tăng đầu tư qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A). 

Mặc dù khó khăn, nhưng chuyên gia của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam (Công ty chuyên về dịch vụ bất động sản) đã nhận định, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến được ưa thích cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, thị trường M&A vẫn có những “gợn sóng” nhất định. 

Có thể thấy, tình hình M&A hiện vẫn đang “âm ỉ” để chờ thời điểm bứt tốc, tất nhiên là cũng có sự sụt giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung sau đại dịch COVID-19, thị trường M&A trong nước lại nổi lên vấn đề về khả năng “thâu tóm” doanh nghiệp với giá rẻ.

Không phải ngẫy nhiên mà những cảnh báo về xu hướng M&A nảy sinh nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm được các Đại biểu Quốc hội đưa ra giữa Nghị trường. Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo nhiều lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ rình rập qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp. 

Trong một báo cáo mới đây, Bộ KH&ĐT còn đề cập vấn đề này như là một trong 5 thách thức lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020.

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, “cái đáng sợ” không phải là những tháng qua, mà là vài tháng tới, khi doanh nghiệp quá ngưỡng chịu đựng thì họ sẽ phải “bán mình”. Vị này cũng cho biết, thời gian qua, Basico đã nhận được rất nhiều đơn đề nghị tư vấn cho các thương vụ M&A, bao gồm cả trường hợp một công ty vật liệu xây dựng lớn của Việt Nam.

“Pháp, Đức, Tây Ban Nha… đều đã đưa ra các cảnh báo rằng, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục, nên họ có thể lợi dụng lúc này để đi mua lại doanh nghiệp. Phải tránh bị mua vào ở thời điểm đáy”, ông Đỗ Nhất Hoàng Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết.

Được biết, hiện hàng loạt nền kinh tế, từ Mỹ, Ấn Độ, rồi Australia, các nước châu Âu, đều đã lần lượt đưa ra các cảnh báo về việc ngăn các ngành công nghiệp trọng yếu vào tay đối thủ. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng lúc giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn mất giá trị để thực hiện việc thâu tóm. 

Vì vậy, nhiều nước dựng lên rào cản nhằm tránh nguy cơ các doanh nghiệp bị nước ngoài thâu tóm, đặc biệt là làn sóng “mua lại thế giới” từ Trung Quốc. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, đối với việc góp vốn, mua cổ phần tại những doanh nghiệp bình thường, nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát.