"Mạnh tay" với các doanh nghiệp FDI chuyển giá, bỏ hoang dự án

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư và hạn chế hiện tượng chuyển giá, bỏ hoang dự án.

Nhà đầu tư được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng. Nguồn: internet
Nhà đầu tư được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng. Nguồn: internet

Chậm tiến độ một năm, dự án FDI sẽ bị thu hồi

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 8 năm triển khai, Luật Đầu tư đang bộc lộ một số hạn chế khiến quá trình thu hút đầu tư dàn trải, thiếu tính thống nhất, minh bạch.

Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều các dự án FDI chậm tiến độ hoặc "tháo chạy" khỏi Việt Nam; đặc biệt là các dự án quy mô lớn về vốn, huy động nhiều đất.

Gần đây nhất là việc Tập đoàn Tata Ấn Độ tuyên bố dừng dự án thép liên hợp với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Việc các nhà đầu tư FDI "bỏ rơi" dự án đã ít nhiều gây hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế nói chung và của các địa phương có dự án nói riêng.

Theo GS. Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Năm 2013, hàng trăm dự án FDI chậm hoặc không triển khai với vốn đăng ký hàng chục tỷ USD đã bị rút giấy phép, gây thiệt hại khó tính hết đối với nước ta là bài học kinh nghiệm đối với những dự án "bánh vẽ" của một số nhà đầu tư không có tiềm năng".

Nhằm giảm thiểu tình trạng trên, trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố có quy định đáng chú ý, đó là: Sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu nhà đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư.

Cơ chế phạt này cũng áp dụng với trường hợp không liên lạc được với chủ đầu tư hoặc không tìm được địa điểm mới sau khi bị tước quyền sử dụng đất.

Trường hợp không đủ điều kiện triển khai, nhà đầu tư được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng (3 năm) và phải thông báo cho cơ quan quản lý. Trong trường hợp tạm ngừng vì lý do khách quan, dự án sẽ được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất

Theo Luật Đầu tư hiện nay, việc thu hồi dự án khi mất liên lạc với chủ đầu tư và giới hạn thời gian tạm ngừng, giãn tiến độ chưa được quy định, khiến nhiều dự án bị bỏ hoang do không còn năng lực triển khai, trong khi điều kiện pháp lý chưa cho phép cơ quan chức năng giải quyết triệt để, giao cho nhà đầu tư khác. 

Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, các chủ nợ, thanh lý tài sản của doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ trốn. 

Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đang được lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và các bên liên quan, nếu được thông qua, dự kiến các quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2015.

"Mạnh tay" hơn để tránh tình trạng chuyển giá

Bên cạnh các quy định hạn chế việc các dự án chậm tiến độ hoặc "bỏ dở" giữa chừng của các doanh nghiệp FDI, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cũng đề ra những quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế mặt trái của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Theo đó, chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ được giám định để thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu hoặc làm căn cứ xác định giá tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI diễn ra trong năm 2013 cho biết, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ là “khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm”.

Năm 2013, nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục được ngành thuế đưa vào diện “nghi vấn chuyển giá”. Trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Công ty Coca Cola Việt Nam, Công ty TNHH Adidas Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam…

Ông Mai Xuân Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết: “Trong thời gian 3, 4 năm trước, đối với chúng ta, thành công là thu hút được nhiều nhà đầu tư nhưng việc nhà đầu tư đưa tiền vào hay không thì chưa cần biết. Có những doanh nghiệp FDI đăng ký vốn tới 1,6 tỷ USD nhưng tiền thật đổ vào chỉ có 200 triệu USD. Khi hoàn thành dự án ấy thì họ lại mang về nước họ tài sản tương đương với 1,6 tỷ. Không chỉ thế, họ còn trốn thuế ở Việt Nam. Những vấn đề ấy chúng tôi đều biết rất rõ và đang tìm cách khắc phục.”

Quả thực, trong giai đoạn đầu khi thu hút FDI thì Chính phủ Việt Nam phải cho qua chuyện này ít nhiều. Nhưng rồi vấn đề này càng biểu hiện rõ hơn thì không thể không đặt ra những câu hỏi, ông Hùng nhấn mạnh.