Một số định hướng để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam


Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính về thuế; Cung cấp đủ thông tin cho các đối tượng tham gia thị trường; Phát triển các tổ chức hỗ trợ độc lập... được coi là những định hướng quan trọng để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tổng quan thị trường mua bán nợ tại Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ được coi là chính thức và hoạt động tương đối công khai là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, còn có một thị trường mua bán nợ đặc thù là thị trường mua bán nợ xấu là nơi giao dịch các khoản nợ xấu giữa bên mua và bên bán.

Một thị trường mua bán nợ có hiệu quả là một thị trường có tính hiệu quả về mặt thông tin và cơ chế giao dịch. Để đạt được điều này thị trường mua bán nợ cần phải đảm bảo các yếu tố gồm: Giá cả được hình thành trên thị trường phải là giá cân bằng giữa cung và cầu và phải phản ánh được tức thời các thông tin có liên quan có thể ảnh hưởng tới giá cả.

Điều quan trọng nhất là phải thiết lập được một cơ chế giao dịch nhạy bén có khả năng xác định giá cả thị trường của các khoản nợ một cách chính xác nhất; Cơ chế và các thủ tục giao dịch mua bán nợ cần phải được tiêu chuẩn hoá để có thể thực hiện được một số lượng lớn các giao dịch một cách thông suốt. Thị trường phải đảm bảo tính thanh khoản cao giúp cho các nhà đầu tư có thể mua và bán các khoản nợ bất kỳ lúc nào họ muốn...

Phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Theo các chuyên gia tài chính, để thúc đẩy thị trường mua bán nợ tại Việt Nam trong thời gian tới cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý thị trường mua bán nợ. để thị trường mua bán nợ phát triển, mỗi quốc gia phải có quy định riêng để điều hành hoạt động của thị trường.

Ngoài các quy định pháp lý, các hiệp hội nghề nghiệp cũng đưa ra các quy tắc và thông lệ riêng để hỗ trợ quản lý và giám sát thị trường mua bán nợ, Nhà nước cần có quy định cụ thể về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung bán nợ, kiểm soát thời gian xử lý nợ, nếu nợ quá hạn thì phải bán với giá của tổ chức đánh giá trung gian.

Trong trường hợp nguồn vốn của công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của công ty không đủ để thực hiện việc mua nợ liên quan đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp, Nhà nước sẽ được yêu cầu cung cấp vốn cho công ty mua bán nợ hoặc phát hành trái phiếu Công ty để xử lý nợ.

Đồng thời, cần sớm sửa đổi các quy định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về quản lý nợ xấu trong tương lai với mục đích tạo ra quyền sở hữu tích cực của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như các Tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính về thuế (chế độ phân loại nợ, trích lập dự phòng ...) để tạo động lực, phù hợp với đặc thù tài sản trong quá trình quản lý, xử lý nợ

 Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm giải quyết vấn đề xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng, với chính sách này thì các cơ chế về thuế đề xử lý nợ xấu đang tập trung cho tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Trong khi, quá trình tham gia xử lý nợ xấu hiện nay còn có nhiều tổ chức mua bán nợ khác. Do đó, để hình thành nên thị trường mua bán nợ xấu cần thiết ban hành đồng bộ các chính sách pháp luật trong đặc biệt là các chính sách về thuế để các tổ chức mua bán nợ bình đẳng, có động lực tham gia thị trường.

Ngoài ra, cung cấp đủ thông tin cho các đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ cũng là yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam. Điều kiện tiên quyết để thị trường mua bán nợ phát triển là đảm bảo công bố đầy đủ và minh bạch các thông tin liên quan đến các khoản nợ. Tuy nhiên, ngay cả đối với thị trường mua bán nợ phát triển tốt như ở Mỹ thì vấn đề này vẫn là một vấn đề phát sinh trong giai đoạn đầu tiên thực hiện hợp đồng mua bán nợ, và nghiêm trọng hơn nếu khoản nợ được mua đi bán lại nhiều lần.

Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các tổ chức hỗ trợ độc lập như: Công ty định giá tài sản chuyên nghiệp; các tổ chức xếp hạng tín dụng; Thành lập hiệp hội các công ty mua bán nợ...