Một số vấn đề đặt ra đối với công tác bảo hiểm xã hội hiện nay

Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam (tapchicongsan.org.vn)

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp, có tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, tuổi thọ người dân được nâng lên, tỷ suất sinh giảm...

Công tác bảo hiểm xã hội trong thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Công tác bảo hiểm xã hội trong thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Điều này khiến cho tỷ lệ lao động trên số người hưởng lương hưu thấp đã và đang đặt ra những yêu cầu khách quan, cấp bách của việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) phù hợp với trình độ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế của đất nước, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại; hướng tới BHXH toàn dân, tạo bước đột phá để BHXH thực sự là trụ cột của chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Trên thế giới, hệ thống an sinh, BHXH ra đời khá sớm. Ngay từ năm 1850, hệ thống BHXH đầu tiên đã được thiết lập tại nước Phổ (nay là Cộng hòa Liên bang Đức), với sự tham gia của giới thợ trong bảo hiểm ốm đau, sau đó đã thu hút được mọi tầng lớp xã hội và mở rộng ra các trường hợp khác. Việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 1883, Luật Bảo hiểm về rủi ro nghề nghiệp năm 1884 do Hiệp hội Giới chủ quản lý, Luật Bảo hiểm tuổi già và bảo hiểm tàn tật năm 1889 do chính quyền các bang quản lý, với hoạt động dựa trên nền tảng của cơ chế đóng góp ba bên (người lao động, giới chủ và nhà nước) đã đánh dấu bước phát triển mới của BHXH.

Từ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức, hoạt động BHXH đã lan dần ra châu Âu vào đầu thế kỷ XX, sau đó đến các nước Mỹ La-tinh rồi Mỹ, Ca-na-đa vào những năm 30 của thế kỷ XX. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, BHXH tiếp tục là chính sách bảo đảm an sinh xã hội mang tính cộng đồng được áp dụng tại các nước giành được độc lập ở châu Á, châu Phi và vùng Ca-ri-bê trong nửa cuối thế kỷ XX. 

Trong quá trình phát triển, BHXH đã trở thành một vấn đề quốc tế gắn với vai trò của Liên hợp quốc mà trực tiếp là Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)(1), là một trong những quyền cơ bản nhất của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc: “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội có quyền hưởng bảo hiểm xã hội, quyền đó được đặt cơ sở trên sự thỏa mãn các quyền về kinh tế - xã hội và văn hóa, nhu cầu cho nhân cách và sự tự do phát triển của con người”(2). Tính đến thời điểm hiện tại, theo ILO, trên thế giới có khoảng hơn 170 nước thực hiện chính sách BHXH, trong đó 155 nước (chiếm 95%) nhưng chỉ có 63 nước (chiếm 38,6%) thực hiện hình thức bảo hiểm hưu trí, tai nạn lao động, ốm đau, thai sản.

Điều này cho thấy, việc thực hiện các hình thức bảo hiểm khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể của mỗi nước; tuy nhiên xu hướng chung là các quốc gia ngày càng thực hiện đầy đủ hơn các hình thức bảo hiểm, coi đây là giải pháp bảo đảm tốt hơn quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và sâu xa hơn là chính sách ổn định xã hội trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đều có thể tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm; tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm tính cân đối, bền vững giữa mức đóng góp và mức hưởng thụ; có sự chia sẻ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa các thành viên, giữa các chính sách trong hệ thống BHXH. Sự phát triển, hoạt động của BHXH ở mỗi quốc gia hiện nay dựa trên cơ sở quy định nội luật và chịu tác động, chi phối ngày càng nhiều hơn của các quy định về BHXH trong các điều ước quốc tế có liên quan.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 1929, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương (một trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã nêu: “Tổ chức tất cả vô sản giai cấp và công hội, thực hành bảo hiểm cho thợ thuyền, giúp đỡ thợ thuyền thất nghiệp...”(3). Điều 7 Nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc và thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh được thông qua tại kỳ họp Quốc dân Đại hội từ ngày 16 đến 17-8-1945 có viết: “Ban bố Luật Lao động; ngày làm 08 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm”(4).

Trên cơ sở này, ngay sau khi giành được chính quyền cách mạng, ngày 3-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 54-SL về ấn định các điều kiện cho công chức về hưu trí; ngày 14-6-1946 ban hành Sắc lệnh số 105-SL quy định về việc cấp hưu bổng và đóng BHXH đối với công chức. Đây là hai văn bản pháp luật đầu tiên quy định về quyền lợi, mức hưởng hưu trí của công chức, khẳng định nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH, quy định trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước đối với Quỹ BHXH. Kế thừa các quy định này, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của đất nước, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quốc tế về BHXH, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về BHXH, tiêu biểu như Nghị định số 235-HĐBT, ngày 18-9-1985, của Hội đồng Bộ trưởng Về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, bãi bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá bù lỗ, chuyển sang chế độ trả lương bằng tiền do quỹ hàng hóa bảo đảm; Nghị định số 236-HĐBT, ngày 18-9-1985, của Hội đồng Bộ trưởng Về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh xã hội; Luật BHXH năm 2006; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012, của Bộ Chính trị Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020; Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1215/QĐ-TTg, ngày 23-7-2013; Luật BHXH năm 2014. Mới đây nhất, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về an sinh xã hội tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Về cải cách chính sách BHXH.

Quan điểm chỉ đạo nêu trên thể hiện tầm nhìn chiến lược có tính xuyên suốt đối với việc phát triển BHXH trong hệ thống chính sách xã hội nhằm bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Đến nay, đã hình thành hệ thống chính sách BHXH tương đối đồng bộ gồm bảo hiểm hưu trí - tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, cơ bản bao quát các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế về BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trong các ngành, thành phần kinh tế với các loại hình lao động khác nhau. Quỹ BHXH trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH. Diện bao phủ BHXH theo quy định và quy mô tham gia BHXH được mở rộng, số người tham gia, số người được hưởng BHXH tăng lên(5).

Hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Tuy nhiên, công tác BHXH trong thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, bất cập đã được đề cập, phân tích, làm rõ trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, đáng chú ý là: 1- Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn thấp, độ bao phủ BHXH chậm, số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Hiện mới có 13,9 triệu người (chiếm 29% lực lượng lao động trong độ tuổi) tham gia BHXH, vẫn còn hơn 34 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm khoảng 71%) chưa tham gia BHXH; số người tham gia tự nguyện sau 10 năm triển khai chính sách này mới chỉ đạt gần 300 nghìn người(6).

Nếu không có sự chuyển đổi, trong thời gian tới, số lượng người già, người khi hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội. 2- Các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH ở địa phương, doanh nghiệp diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dẫn đến nguy cơ mất ổn định Quỹ BHXH, gia tăng khiếu nại, tố cáo, biểu tình, gây mất an ninh trật tự, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, làm giảm niềm tin của người lao động đối với chính sách BHXH của Đảng, Nhà nước. Tính đến hết năm 2017, vẫn còn khoảng 380.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 63,5% số doanh nghiệp đang hoạt động) chưa tham gia BHXH; còn khoảng 3,41 triệu người thuộc diện nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc. Tổng số nợ BHXH bắt buộc có tính lãi đến ngày 31-12-2017 là 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% số phải thu BHXH(7).

3- Quỹ Hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, tình trạng chênh lệch thu - chi là một thực tế cần có biện pháp giải quyết; tỷ lệ hưởng lương hưu cao, tối đa 75%; quá trình già hóa dân số, tuổi nghỉ hưu sớm trong điều kiện tuổi thọ ngày càng tăng dẫn đến mất cân đối giữa đóng - hưởng, tạo gánh nặng lớn cho Quỹ BHXH. Điều kiện hưởng hưu trí với tối thiểu 20 năm đóng BHXH (trong khi ở nhiều nước chỉ là 10 năm hoặc 15 năm); việc người lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước mất việc làm khi chưa đến tuổi nghỉ hưu (từ 35 đến 40 tuổi) do các doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân có xu hướng sử dụng lao động trong độ tuổi có hiệu suất lao động cao nhất,... dẫn đến nhiều trường hợp hưởng BHXH một lần vào cùng một thời điểm nhất định, gây áp lực thanh toán, chi trả rất lớn về tài chính của Quỹ BHXH.

Theo dự báo của ILO: “Nếu không có sự đột phá trong cải cách chính sách BHXH tại Việt Nam cũng như sự hỗ trợ tích cực của ngân sách nhà nước, thì đến năm 2030 sẽ có hơn 38,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 62% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia và không được bảo vệ bởi chính sách BHXH”(8). 4- Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH mặc dù đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện nhưng chưa theo kịp tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chưa tạo động lực, sức hút đối với người lao động, nhất là lao động ngoài khu vực nhà nước tham gia BHXH. Còn tồn tại nhiều loại hình bảo hiểm, bao gồm cả các loại hình bảo hiểm lợi nhuận nước ngoài song chưa bảo đảm tính nhất quán, liên thông giữa các loại hình bảo hiểm này trong chính sách an sinh xã hội, dẫn đến chồng lấn trong thụ hưởng chế độ và lạm dụng các chính sách xã hội của Nhà nước. 5- Công tác thông tin tuyên truyền về BHXH còn hạn chế, chưa làm cho người lao động và người tham gia BHXH nhận thức sâu sắc rằng, tham gia BHXH là đóng góp cho bản thân mình, cho con cháu mình, đồng bào mình, hơn thế nữa đó còn là nghĩa cử truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu khi còn đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân và các chủ thể có liên quan nhằm gia tăng kích động, thổi phổng các thông tin về “vỡ Quỹ BHXH”, “vỡ Quỹ Lương hưu”, “người lao động sẽ không có lương hưu”,... để xuyên tạc chính sách BHXH, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân và người lao động. 

Có thể khẳng định, những hạn chế, thiếu sót, vướng mắc trong công tác BHXH đang tác động tiêu cực không nhỏ đến đời sống của người lao động và chính sách xã hội, đe dọa an ninh, trật tự, trong đó đáng chú ý là những đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống, cần phải được tập trung xử lý kịp thời.

Từ kết quả công tác BHXH đã đạt được và những vấn đề đặt ra cho thấy sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân đối với công tác BHXH là rất cần thiết và có tính tiên quyết. Cùng với quyết tâm chính trị, một số giải pháp sau đây cần được ưu tiên, tập trung thực hiện tốt:

Một là, BHXH Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan làm nòng cốt tổ chức thực hiện thắng lợi quan điểm chỉ đạo của Đảng về an sinh xã hội, BHXH tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “... Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát huy và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động,...”(9); quán triệt, thể chế hóa và hoàn thành mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cũng như 11 nội dung cải cách và 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật Bảo hiểm xã hội và văn bản hướng dẫn thi hành từ nhận thức, tư duy và hành động trong các tầng lớp nhân dân.

Bằng việc phát huy, khơi dậy nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH gắn với các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, để cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ hơn vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH với tiến bộ, công bằng, ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển ổn định, bền vững đất nước, từ đó hình thành nhu cầu tự giác tham gia, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về BHXH. 

Hai là, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan chú trọng tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH của Đảng, Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả và chỉ số uy tín, minh bạch trong hoạt động BHXH với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Từ những kết quả đạt được, cũng như hạn chế, thiếu sót và vướng mắc trong thực tiễn công tác BHXH, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chủ động nghiên cứu, xây dựng, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với chính sách, pháp luật về chế độ tiền lương, việc làm, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Trong đó, quy định cụ thể cơ chế quản lý đầu tư của Quỹ BHXH, bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần tạo môi trường BHXH lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững trong BHXH.

Ba là, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và các ban, bộ, ngành có liên quan làm tốt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 3461/QCPH-TCCS-BHXH, ngày 16-8-2017, của Tổng cục Cảnh sát (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm và các vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mà trọng tâm là kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi, tham nhũng BHXH. Sớm nghiên cứu, xây dựng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, như Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 214 (Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp); Điều 215 (Tội gian lận bảo hiểm y tế); Điều 216 (Tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động).

Chủ động phát hiện, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, trong đó có chính sách, pháp luật liên quan đến BHXH. /.

--------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Đến nay, ILO đã thông qua trên 180 công ước và 190 khuyến nghị trong các lĩnh vực công việc của tổ chức này, www.ilo.org
(2) Liên hợp quốc: Tuyên ngôn nhân quyền, ngày 10-2-1948
(3), (4) Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Đổi mới và phát triển Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam”, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2015, tr. 2
(5) Đến hết năm 2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,59 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 300 nghìn người, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,7 triệu người. Trong năm 2017, số hưởng hưu trí hằng tháng là trên 2,4 triệu người; hưởng tuất hằng tháng trên 287 nghìn người. Tổng số tiền chi cho các chế độ hưu trí, tử tuất, mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng khác năm 2017 từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm là 42.448 tỷ đồng, từ nguồn Quỹ BHXH bảo đảm là 93.303 tỷ đồng
(6) “Cần sớm cải cách tổng thể chính sách bảo hiểm xã hội”, Báo Nhân Dân số ra ngày 1-4-2018
(7) Ban Tuyên giáo Trung ương: “Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên)”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 295, 296
(8) “Cần sớm cải cách tổng thể chính sách bảo hiểm xã hội”, Báo Nhân Dân số đã dẫn
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, năm 2016, tr. 137.