Mua sắm trực tuyến: Giao dịch bằng “niềm tin”?

PV.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức mua sắm trực tuyến đang tăng trưởng với tốc độ “chóng mặt” tại Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích mà phương thức này mang lại, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với vô vàn rủi ro.

Hình thức mua sắm trực tuyến đang tăng trưởng với tốc độ “chóng mặt” tại Việt Nam. Nguồn: internet
Hình thức mua sắm trực tuyến đang tăng trưởng với tốc độ “chóng mặt” tại Việt Nam. Nguồn: internet

“Bùng nổ” mua sắm trực tuyến

Theo Báo cáo về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được thực hiện bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2017, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử được đánh giá tiếp tục ở mức cao. Trong đó, tăng trưởng ngoạn mục phải kể đến lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của hàng nghìn website thương mại điện tử năm 2017 đều ở mức tăng khoảng 35%. Điều này khéo theo doanh thu của các doanh nghiệp chuyển phát năm 2017 tăng vượt bậc từ 62% đến 200%.

Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi đó, giá trị giao dịch tăng tới 75%.

Hiện nay, cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng và thuận tiện. Người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn, Adayroi.com… hoặc qua mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Zalo... hay các chương trình quảng cáo trên truyền hình (giao dịch qua điện thoại).

Hình thức mua sắm này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận thông tin, so sánh giá cả, tiết kiệm thời gian, đặc biệt tiện ích với những người thích tìm hiểu về đánh giá (review), nhưng đằng sau sự tiện ích trên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Tiềm ẩn không ít rủi ro

Bộ Công Thương cảnh báo, bản chất đây không phải hình thức mua sắm trực tiếp, người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng của sản phẩm. Do đó, rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.

Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến được thực hiện qua phương tiện điện tử, do đó người tiêu dùng không thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và mọi giao dịch được thực hiện trên cơ sở “niềm tin”. Chính vì lẽ đó, khi gặp người bán không có uy tín, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, mua sắm trực tuyến không thể thiếu dịch vụ chuyển phát. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng sẽ gặp rủi ro về thời gian giao hàng (giao hàng chậm); hàng nhận được bị vỡ, hỏng; mất hàng; chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán…

Để mua sắm trực tuyến thực sự là hình thức mua sắm mang lại nhiều tiện ích, Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động tiêu dùng thông thái và tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.