Năm 2013, ngành Dệt may phấn đấu tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu

Theo Đại biểu Nhân dân

Năm 2012, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức từ thị trường thế giới và kinh tế trong nước, nhưng ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục năm thứ tư dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với kim ngạch đạt 17,2 tỷ USD.

Năm 2013, ngành Dệt may phấn đấu tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 2012, xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường lớn vẫn tăng trưởng ổn định, mặc dù nhập khẩu dệt may nói chung vào các thị trường này đều tăng chậm, thậm chí giảm. Cụ thể, nhập khẩu dệt may vào thị trường Mỹ giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng hơn 9%. Nhập khẩu dệt may vào Nhật Bản tăng 8% nhưng nhập khẩu từ nước ta có mức tăng hơn 19%. Thậm chí tại thị trường Hàn Quốc, trong khi nhập khẩu dệt may vào thị trường này giảm 7% thì nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%. Điều này cho thấy dệt may nước ta ngày càng có uy tín và tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt kim ngạch xuất khẩu 2,6 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2011, gần gấp đôi so với mức tăng chung 8,5% của toàn ngành. Các đơn vị mạnh trong Tập đoàn như Tổng công ty Phong Phú, Việt Tiến, May 10, Dệt may Hà Nội hay các công ty Dệt may Huế, Vinatex Đà Nẵng, Dệt công nghiệp Hà Nội… đều tăng trưởng xuất khẩu tốt.

Kết quả này là do nhiều doanh nghiệp đã quan tâm áp dụng các biện pháp để cải tiến quản trị, quy trình sản xuất, kinh doanh. Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ, doanh nghiệp đã tập trung tiết kiệm chi phí, cái gì cần vẫn tiếp tục đầu tư nhưng cái gì không cần thì dứt khoát không làm. Và đầu tư máy móc để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh. Giáo dục cho cán bộ và công nhân hiểu thách thức sẽ diễn ra như thế nào? để chuẩn bị cả tinh thần, điều kiện vật chất để toàn thể công ty sẵn sàng đối mặt. Bên cạnh đó, một biện pháp khác được nhiều doanh nghiệp hết sức chú trọng trong năm vừa qua là duy trì bạn hàng trung thành, truyền thống, cùng chia sẻ các chi phí để vượt qua khó khăn.

Dựa trên mức tăng trưởng ổn định của năm 2012, bước sang năm 2013, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 18,8 tỷ USD đến 19,3 tỷ USD. Theo Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, năm 2013 bên cạnh khó khăn chung của thị trường thế giới, cũng có tín hiệu tốt hơn cho ngành Dệt may nước ta. Trong đó có những thuận lợi từ Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công sẽ làm tăng mạnh xuất khẩu hàng may mặc. Việc tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU giúp ngành Dệt may mở ra những cơ hội mới đối với thị trường đầy tiềm năng này.

Các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi các thị trường khác quy mô tăng xuất khẩu rất nhỏ, tỷ trọng chưa cao. Vì vậy, trong năm 2013, ngành Dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 8,5 tỷ USD, thị trường EU khoảng 2,4 tỷ USD, thị trường Nhật Bản 2,4 tỷ USD, thị trường Hàn Quốc 1,5 tỷ USD và các thị trường khác khoảng 4,2 tỷ USD. Hiện đã có những tín hiệu bước đầu khả quan về đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp ký được đơn hàng đến hết quý I, quý II/2013. Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, tín hiệu đáng mừng của 2013 là nhiều khách hàng đã đến đăng ký giữ chỗ, thậm chí là ứng tiền thanh toán trước để công ty mở rộng sản xuất, cung cấp hàng xuất khẩu cho họ.

Cũng trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng không ít doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục đầu tư nhà máy mới, mở rộng sản xuất, tạo đà cho tăng trưởng trong năm nay.