Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới


Hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế từng bước giúp Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và trong mắt các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những năm tới, quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có những tác động và kéo theo sự xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính - tiền tệ, các hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới. Tình hình trên đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, để hội nhập quốc tế phục vụ ngày càng đắc lực trong quá trình phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Kết quả tích cực từ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, qua đó nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc. Đảng ta chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác”.

Tới Đại hội lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đề ra phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” nhằm không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã. 10 năm sau thời kỳ đổi mới, tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), Đảng đã tiếp tục chủ trương đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mục tiêu phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước, tiếp tục đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức về nhu cầu cần tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế...

Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “về hội nhập kinh tế quốc tế”. Tại Đại hội X (2006), Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”, đặc biệt giai đoạn này cũng đánh dấu một trong những sự kiển nổi bật về hợp tác kinh tế quốc tếkhi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1/2007.

Tại Đại hội lần thứ XI (2011), Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại của đất nước trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế quốc tế của đất nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập toàn diện trên các mặt: Kinh tế; chính trị, khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo... Mới đây nhất, ngày 5/11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Tại Nghị quyết này, Đảng ta xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; doanh nhân, doanh nghiệp (DN), đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu...

Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế đóng góp thiết thực, hiệu quả thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển đất nước bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết, các chương trình hành động về tăng cường quản lý và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 10/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO. Ngày 13/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Ngày 07/01/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược tổng thể Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều hình thức, theo lộ trình từ thấp tới cao, hướng tới tiếp thu những nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Ngày 25/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới… Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, trong đó khẳng định cần tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện; Phải coi hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển”, từng bước hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các DN trong nước và DN nước ngoài…

Từ khi nước ta chính thức trở thành thành viên của WTO (năm 2007) đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng, đạt được nhiều kết quả, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Theo định hướng chỉ đạo chủ động hội nhập của Đảng và Chính phủ, không chỉ có quan hệ với các tổ chức kinh tế tài chính toàn cầu như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á…, Việt Nam còn kí kết và tham gia các FTA. Thống kê cho thấy, cho đến nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có 10 Hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết bao gồm Hiệp định ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - Niu Di-lân, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Hàn Quốc, và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu; 3 Hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực gồm Hiệp định CPTPP, Việt Nam - EU, và ASEAN - Hồng Kông, 4 Hiệp định đang đàm phán bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam – Israel (VIFTA), FTA Việt Nam – Cuba, và FTA Việt Nam và Khối 04 nước Bắc Âu (VN-EFTA).

Hội nhập quốc tế không chỉ là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; Thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu… mà còn giúp môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với nỗ lực cải cách của các Bộ ngành. Cụ thể, Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business (DB) năm 2018 được Ngân hàng Thế giới công bố năm ngoái cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó đặc biệt là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.

Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế

Theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước. Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính - tiền tệ, các hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới… Tình hình trên đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế đóng góp thiết thực, hiệu quả thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển đất nước bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Do vậy, thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập và hướng dẫn cụ thể để DN và người dân nắm bắt, hiểu biết và có thể vượt qua thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự kiên định và đồng thuận cao trong tiến trình hội nhập. Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế... cho cộng đồng DN.

Hai là, tập trung cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, gắn việc thực thi đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình rà soát, bổ sung và hoàn thiện pháp luật và thể chế trong nước, hài hòa, phù hợp với pháp luật và Hiến pháp của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế; Xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tăng cường đôn đốc, giám sát và đánh giá tình hình thực thi các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế…

Ba là, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và các ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế. Trước mắt tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam...

Bốn là, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế; có chính sách phù hợp hỗ trợ các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh thấp vươn lên; Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, trình độ pháp luật quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ chủ động phù hợp. Trước mắt, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh phù hợp với xu thế phát triển của chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới; Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát hiện, điều tra, xử lý và ngăn chặn hiệu quả các hành vi hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế…

Năm là, phát huy uy tín và vị thế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền trong quá trình hội nhập. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngoại giao nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập để phát huy tốt vai trò và thế mạnh của kênh đối ngoại...