Nâng cao tỷ trọng đóng góp của TFP cho tăng trưởng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào sự đóng góp của 3 yếu tố: Sự tăng thêm của vốn đầu tư phát triển; sự tăng thêm của số lượng lao động đang làm việc và sự tăng lên của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).

Vai trò của TFP

Trong 3 yếu tố trên, TFP có vai trò quan trọng hàng đầu, được nhận diện dưới 4 góc độ. (1) Nếu tăng vốn, tăng số lượng lao động là có giới hạn, thì tăng TFP là yếu tố gần như vô hạn, vì nó liên quan đến trí tuệ của con người. (2) Nếu tăng vốn, tăng số lượng lãi suất thường có hiệu ứng phụ (bất ổn vĩ mô, lạm phát, công ăn việc làm…), thì tăng TFP gần như không gây hiệu ứng phụ. (3) Tăng TFP là yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững. (4) Tăng tỷ trọng đóng góp của TFP sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, không những chống được nguy cơ tụt hậu xa hơn mà còn góp phần chuyển nền kinh tế lên đẳng cấp mới, vị thế mới trong quan hệ so sánh với quốc tế.

Mục tiêu và khả năng thực hiện

Nhận thức được vai trò quan trọng của TFP, Nhà nước ta đã đề ra mục tiêu về TFP và những chỉ tiêu liên quan.

MỘT SỐ CHỈ TIÊU VỀ TFP VÀ CÁC CHỈ TIÊU LIÊN QUAN
(Đơn vị tính: %)

Tên chỉ tiêu

Mục tiêu

Ghi chú

1. Tỷ trọng đóng góp của TFP

(1) 30-32 và (2) 35

(1) đến 2015, (2) đến 2020

2. Tỷ lệ lao động đang làm việc được đào tạo

(1) 50 và (2) 70

3. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp

40

 

4. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị

20

 

5. Tốc độ tăng giá trị giao dịch thị trường khoa học - công nghệ

15

 

6. Cán bộ khoa học - công nghệ nghiên cứu và phát triển

11

 

Về tỷ trọng đóng góp của TFP vào tốc độ tăng GDP hiện chưa có số liệu chính thống của Tổng cục Thống kê - cơ quan được giao trách nhiệm công bố Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Con số được làm nền cho mục tiêu này đến năm 2015 (nhưng không nêu rõ nguồn) là khoảng 28%, nhưng có một số chuyên gia đã đưa ra những con số khá khác nhau.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013, ông Bùi Trinh (chuyên viên của Tổng cục Thống kê) đưa ra con số tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP thời kỳ 2002-2012 là 9,24% (trong đó thời kỳ 2000-2006 là 22,62%; thời kỳ 2007-2012 là 6,44%). Một chuyên gia khác đưa ra con số thời kỳ 2001-2010 là 19,5% (con số này cũng còn thấp xa so với các nước phát triển, chẳng hạn Hàn Quốc là 51,32% trong thời gian tương ứng).

Từ các thông tin trên, có thể rút ra một số nhận xét sau. Trước hết là nền kinh tế nước ta phát triển theo chiều rộng, khi tăng trưởng GDP dựa vào vốn lên tới quá 3/4 còn TFP là chỉ tiêu chất lượng, nhưng chỉ đóng góp 1/4. Dù mục tiêu về đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam đến 2015 và 2020 không cao (còn thấp xa so với Hàn Quốc), nhưng việc thực hiện không dễ dàng.

Việt Nam tuy có lượng lượng lao động đông đảo nhưng vẫn đang tăng nhanh, trong khi đó tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP thấp, chỉ chiếm trên dưới 25%. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp (năm 2013 tính theo giá thực tế đạt 68,4 triệu đồng/người, tương đương với 3.277 USD/người, trong đó, nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản có tỷ trọng lao động đang làm việc lớn nhất lên đến 46,8%, còn thấp hơn, chỉ đạt 26,8 triệu đồng/người, tương đương 1.284 USD/người). Việt Nam tuy thiếu vốn đầu tư do tích lũy nội bộ còn thấp, nhưng tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn chiếm quá nửa vào tốc độ tăng GDP. Hiệu quả đầu tư còn thấp. Mặc dù hệ số ICOR của thời kỳ 2011-2013 thấp hơn của thời kỳ 2006-2010 (5,4 lần so với 6,2 lần), nhưng vẫn còn rất cao so với mức trung bình của các nước tới 2-3 lần.

Về tỷ lệ lao động đang làm việc được đào tạo, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo (bao gồm cả những người trưởng thành từ thực tế hoặc được đào tạo nhưng chưa có bằng cấp của hệ thống giáo dục-đào tạo theo quy định) rất cao, lên đến 49% năm 2013 và mục tiêu năm 2014 là 52% - gần như chắc chắn sẽ vượt mục tiêu đề ra (xin lưu ý trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết con số này chỉ trên dưới 17%. Cần thống nhất sử dụng số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, vì tỷ lệ lao động đang làm việc thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; mục tiêu và đánh giá thực hiện cũng nên theo con số này).

Về tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp, đây là chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh trình độ khoa học-công nghệ của sản xuất công nghiệp, là ngành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế Việt Nam, là tiêu chí thể hiện là nước công nghiệp hay không. Đây cũng là chỉ tiêu rất khó xác định, chưa được đưa vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và hiện chưa tính được để đánh giá mục tiêu. Tuy nhiên, với mục tiêu chiếm tới 40% toàn ngành công nghiệp thì không phải là thấp và không dễ đạt được.

Về tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị với mục tiêu 20%/năm, tức là chưa đến 5 năm đã phải thay đổi toàn bộ thiết bị công nghệ mới, cũng tức là chưa đến 5 năm đã phải khấu hao hết giá trị của số thiết bị công nghệ đã đầu tư trước đây. Đây là một chỉ tiêu thường áp dụng đối với các công nghệ công nghiệp phát triển, còn đối với các nước đang phát triển thì đó là chỉ tiêu rất cao.

Đối với Việt Nam, do lo ngại giá thành cao, các doanh nghiệp thường kéo dài thời gian khấu hao, nên phải giảm tỷ lệ khấu hao, chỉ bằng một nửa con số trên. Tuy nhiên, nếu không tăng tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị như mục tiêu đã đề ra, thì trình độ công nghệ-thiết bị ngày càng tụt hậu, sẽ tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh. Một vấn đề đặt ra là trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hiện nay cần có chỉ tiêu này để cụ thể hóa mục tiêu, và Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng cần có chỉ tiêu đó để đánh giá thực hiện.

Về tốc độ tăng giá trị giao dịch thị trường khoa học-công nghệ, với mục tiêu được đề ra là 15%/năm. Đây là chỉ tiêu quan trọng trong điều kiện nền kinh tế nói chung và khoa học-công nghệ nói riêng đã chuyển sang cơ chế thị trường, phải được thị trường đánh giá qua tốc độ tăng giá trị giao dịch thị trường khoa học-công nghệ. Tốc độ tăng của chỉ tiêu này cao hơn tốc độ tăng của GDP là cần thiết và đúng hướng, bởi khoa học-công nghệ là động lực của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu cần được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu kế hoạch để cụ thể hóa mục tiêu và cũng chưa được đưa vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để đánh giá thực hiện.

Về số cán bộ khoa học-công nghệ nghiên cứu và phát triển tính trên 1 vạn dân theo mục tiêu là 11 người. Đây là yếu tố quan trọng, bởi cán bộ khoa học công nghiệp nghiên cứu và phát triển là lực lượng nòng cốt. Tổng cục Thống kê chưa công bố chỉ tiêu thực hiện để phục vụ việc đánh giá thực hiện.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2013-2014 đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 70/148 nước và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 5 bậc so với năm trước. Tuy nhiên, thứ bậc của Việt Nam trong khu vực vẫn còn cách xa so với Singapore (12), Malaysia (24), Brunei (26), Thái Lan (37), Indonesia (38), Philippines (59).