Ngành dệt may chủ động đón đầu TPP

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Năm 2014 được dự báo là năm thuận lợi với ngành dệt may khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được Chính phủ nỗ lực đàm phán, có thể được ký kết vào cuối năm nay.

Ngành dệt may chủ động đón đầu TPP
Năm 2014 được dự báo là năm thuận lợi với ngành dệt may. Nguồn: internet
Xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 20 tỷ USD

Đến động viên cán bộ công nhân viên lao động ngành dệt may tại Tổng công ty May 10 trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Năm 2013, ngành Công Thương đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam cân bằng được cán cân thương mại.

Với kim ngạch hơn 20 tỷ USD, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu 132,2 tỷ USD của cả nước và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất. “Trong thành tích xuất khẩu chung của cả nước, có đóng góp lớn của các thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong đó có Tổng công ty May 10”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Năm 2014 sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu dệt may khi một loạt các hiệp định như: Thương mại tự do, Liên minh hải quan và đặc biệt là Hiệp định TPP đang được Chính phủ nỗ lực đàm phán, có thể được ký kết vào cuối năm nay.

Năm 2013, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 20,4 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2012. Đây là năm đầu tiên, xuất khẩu dệt may vượt ngưỡng 20 tỷ USD, trong đó, các thị trường chính đều tăng mạnh: xuất khẩu sang thị trường Mỹ gần 8,6 tỷ USD, tăng 14,2%, thị trường châu Âu tăng 8,8% và Nhật Bản tăng 20,5%. Riêng thị trường Hàn Quốc tăng 43,5%. Đây cũng là năm đầu tiên, ngành dệt may Việt Nam chủ động trong việc cung cấp nguyên phụ liệu gần 50%.

Chủ động đón đầu Hiệp định TPP

TPP đang vào giai đoạn nước rút và theo dự kiến sẽ kết thúc các cuộc đàm phán trong năm nay. Nếu được ký kết, TPP sẽ mở ra cơ hội với nhiều ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, trong đó, lợi ích cốt lõi là ngành dệt may, bởi có tới 60% kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam được xuất khẩu vào các nước trong khối TPP. Theo ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex, với những cơ hội rộng mở phía trước khi TPP hoàn tất, ngành dệt may Việt Nam sẽ có thể cán đích 25 tỷ USD xuất khẩu trước năm 2020 và nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 70% thay vì gần 50% như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vừa giữ được lợi thế trước mắt, vừa để tạo lợi thế lâu dài, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chiến lược như thời gian qua, ngành dệt may cần có giải pháp phù hợp, linh hoạt, nâng cao năng lực cạnh tranh để biến TPP thành cú hích quan trọng cho ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng bền vững, bởi đi kèm với cơ hội do TPP mang lại là những thách thức không hề nhỏ. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với những bước đi đúng đắn bài bản, năm 2014 sẽ là năm thắng lợi toàn diện của ngành dệt may Việt Nam.

Về phía mình, các doanh nghiệp dệt may đã có bước chuẩn bị tích cực để đón đầu cơ hội lớn khi TPP được ký kết. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết: Từ năm 2008 đến nay, May 10 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Nhằm đón đầu cơ hội để có thể tận dụng hiệu quả cao nhất từ TPP, từ những năm trước, May 10 đã thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển nhằm tăng tối đa năng suất lao động. Nhờ vậy, đến nay, thời gian sản xuất ra 1 áo sơ mi tại May 10 chỉ còn 11 phút. Năm 2014, May 10 sẽ tiếp tục đầu tư cả bề rộng và chiều sâu, tạo sự phát triển bền vững, mở rộng thị trường trong nước, đồng thời phát triển thương hiệu May 10 ra thị trường quốc tế.