Ngành du lịch Việt Nam và cú sốc lớn đầu năm 2020 vì đại dịch Covid-19

Theo Nhân Hà/nhadautu.vn

Ngành du lịch Việt Nam đang chịu nhiều thiệt hại trong dịp đầu năm 2020 vì dịch Covid-19 bùng phát. Hiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang bị khủng hoảng và phải chịu thiệt hại vô cùng lớn.

 Cần tìm những hướng đi mới cho ngành du lịch Việt Nam.
Cần tìm những hướng đi mới cho ngành du lịch Việt Nam.

Ngành du lịch thất thu

Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã vượt xa dịch bệnh Sars (2002 - 2003) và MERS về số ca nhiễm bệnh và chắc chắn cũng sẽ vượt xa về số người chết. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lên tất cả các ngành nền kinh tế trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề. 

Theo thống kê trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục thuộc hàng cao nhất thế giới với mức trung bình trên 20%/năm. Cụ thể, năm 2019 Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục từ trước đến nay là hơn 18 triệu lượt khách và đang đặt ra mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách năm 2020.

Dịch bệnh Covid-19 đang thực sự là một cú sốc với ngành du lịch Việt Nam ngay những ngày đầu năm 2020. Kể từ ngày 28/1/2020, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động du lịch nội địa và du lịch nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những quốc gia đón nhiều khách Trung Quốc như các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong năm 2019, Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các tỉnh thành đón nhiều khách Trung Quốc bao gồm Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc...

Ở chiều ngược lại, toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc cũng bị hủy vì dịch bệnh khiến các công ty lữ hành và hàng không đứng trước nguy cơ hủy tour và mất trắng nhiều tỷ đồng.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến du khách lo sợ không dám đi tour trong nước và nước ngoài khiến ngành du lịch thất thu và các Công ty du lịch bị thua lỗ lớn trước nguy cơ bị hãng hàng không phạt cọc.

Như vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều công ty du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam đứng trước nguy cơ một năm sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc.

 Ngành du lịch Việt Nam và cú sốc lớn đầu năm 2020 vì đại dịch Covid-19  - Ảnh 1

Cần tìm những hướng đi mới cho ngành du lịch Việt Nam

Cần làm gì để tháo gỡ khó khăn?

Vậy trong tình hình khủng hoảng do đại dịch Covid-19 như hiện nay, du lịch Việt Nam cần làm gì? Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam đang mất đi thị trường lớn là Trung Quốc. Vì vậy, ngành du lịch cần có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Đồng thời có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch như: Mỹ, Australia, Canada...

Bên cạnh đó, để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Các công ty du lịch cũng cần nghiên cứu thay đổi định hướng thị trường khủng hoảng với tâm điểm từ thị trường Trung Quốc đã cho thấy hầu như của việc quá dựa vào 1 đến 2 thị trường lớn của du lịch Việt Nam (Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm quá nửa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam). Khi dịch bệnh qua đi thì thị trường Trung Quốc sẽ cần thêm thời gian để hồi phục. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần nghiên cứu thu hút những thị trường mục tiêu tiềm năng khác.

Từ những khó khăn này, Việt Nam cũng có thể coi là cơ hội để nhìn lại chính mình và chuẩn bị cho tương lai, trong việc thiệu nhiều sản phẩm mới và đa dạng, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh trực tiếp và sâu rộng ra thế giới cũng như ngày một khẳng định, Việt Nam là một trong những nước tiềm năng, giàu bản sắc của khu vực Châu Á.

Có như vậy thì mới thấy tài năng của người thuyền trưởng. Người làm lãnh đạo phải nắm bắt tình hình và đưa ra những quyết sách đúng đắn phù hợp với từng thời điểm với doanh nghiệp của mình.

Các Công ty du lịch cần phải đồng lòng liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng. Các doanh nghiệp có thể tổ chức mời các đối tác, khách hàng lớn tham dự các chuyến FAM trip để giới thiệu các sản phẩm.

Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt, khách đã quay trở lại, đây cũng là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông tiếp thị và bán hàng. “Việt Nam điểm đến an toàn”, các gói du lịch khuyến mại kích cầu có thể tung ra để kích thích khách sớm đăng kí đi tour.

Ở khía cạnh nhà nước, các cơ quan quản lý có thể đóng vai trò nhạc trưởng để gắn kết các thành phần du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cùng giảm giá để có để có các sản phẩm tour trọn gói kích cầu du lịch.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên miễn lệ phí visa cho những thị trường trọng điểm, tiềm năng và có mức chi trả cao để thu hút khách từ những thị trường này.

Đồng thời có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Trong và sau đại dịch, thì nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ và bù đắp cho ngành du lịch.

Khi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn bị tổn thương, không chỉ dịch bệnh mà các cuộc khủng hoảng khách liên quan đến khủng bố, xung đột chính trị, suy thoái kinh tế, thiên tai…đều sẽ ảnh hưởng lớn. Nếu như doanh nghiệp du lịch không đồng hành và ứng phó ngay từ trong cuộc khủng hoảng thì sẽ hạn chế khả năng phục hồi và đón sóng tương lai của chính doanh nghiệp mình.