An toàn điện hạt nhân ở Việt Nam và kinh nghiệm của các nước “đi trước”

Trang Trần

(Tài chính) Với những ưu điểm vượt trội so với nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, điện hạt nhân đã và đang trở thành một nguồn năng lượng quan trọng cho nhân loại và là một thành phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp điện của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm sao để đảm bảo sự an toàn của các nhà máy này.

Các chuyên gia trao đổi về mô hình công nghệ ATMEA1 với tính an toàn đạt mức cao, ứng dụng công nghệ hạt nhân mới của 2 công ty AREVA của Pháp và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật.
Các chuyên gia trao đổi về mô hình công nghệ ATMEA1 với tính an toàn đạt mức cao, ứng dụng công nghệ hạt nhân mới của 2 công ty AREVA của Pháp và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật.

Vấn đề an toàn được đặt ra từ những ngày đầu

Kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam được hình thành ngay sau khi thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau tai nạn điện hạt nhân Chernobyl, kế hoạch phát này bị dừng lại. Đến những năm 90, khi điện hạt nhân thế giới bắt đầu quay lại, một số đề tài cấp nhà nước, cấp bộ nghiên cứu về khả năng đưa điện hạt nhân vào Việt Nam đã được thực hiện. Ngay từ khi xác định phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã luôn quan niệm phát triển lĩnh vực này nhằm mục đích hòa bình một cách có trách nhiệm, trong khi vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải.

Với phương châm đó, sau sự cố Fukushima vào tháng 3/2011 tại Nhật Bản, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, nhưng với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân ở mức cao nhất. “Sau sự cố Fukushima, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách năng lượng, trong đó có vấn đề phát triển điện hạt nhân. Sự cố này nhắc nhở Việt Nam cần phải đặt tính an toàn lên cao nhất kể cả về công nghệ, quy trình quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân.”- Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến nhấn mạnh.

Những năm qua, Việt Nam đã chủ động phối hợp, học hỏi từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các tổ chức quốc tế, các quốc gia có kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân để triển khai chương trình điện hạt nhân một cách an toàn, hiệu quả. Mới đây, Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điện hạt nhân nhằm xây dựng được một cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia vững chắc, bảo đảm an toàn điện hạt nhân.

Kinh nghiệm của các nước về an toàn điện hạt nhân

Ba vấn đề an toàn điện hạt nhân từ chuyên gia Nhật Bản

Chia sẻ về vấn đề đảm bảo an toàn điện hạt nhân tại Việt Nam, ông Nobuaki Sato, Trưởng đoàn chuyên gia Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản (JEPIC) cho biết, an toàn điện hạt nhân tập trung vào ba vấn đề chính đó là đánh giá tác động môi trường; quản lý môi trường (bức xạ và phi bức xạ) trong xây dựng và vận hành; và quan trắc phóng xạ môi trường và văn hóa an toàn. Theo ông, các chất thải dạng rắn, khí, lỏng có tính bức xạ và phi bức xạ phát sinh trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần phải được kiểm soát chặt chẽ và quản lý một cách an toàn, nhằm đảm bảo cho công chúng và môi trường được bảo vệ một cách bền vững.

Xây dựng khuôn khổ pháp quy về an toàn điện hạt nhân từ Hàn Quốc

Một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ điện hạt nhân lớn của thế giới hiện nay có thể kể đến Hàn Quốc với chương trình điện hạt nhân được khởi động cách đây gần 57 năm. Để có thành công này, Hàn Quốc đã rất chú trọng tới công tác an toàn điện hạt nhân. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải sớm xây dựng một khuôn khổ pháp quy về an toàn hạt nhân cũng như xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân. Các kinh nghiệm trong việc xây dựng khuôn khổ pháp quy về an toàn điện hạt nhân của các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga... đã được Chính phủ Hàn Quốc nghiên cứu tham khảo và vận dụng linh hoạt và sáng tạo vào thực tiễn trong nước một cách hợp lý và độc lập. Đây là kinh nghiệm có giá trị đối với những quốc gia đang bắt đầu khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân như Việt Nam.

Nâng cao độ an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của Nga

Những năm qua, ngành năng lượng nguyên tử Nga gặt hái nhiều thành tích nhờ thực hiện chủ trương nâng cao độ an toàn của các nhà máy hạt nhân hiện hành và xây dựng các nhà máy mới có độ an toàn cao nhất. Sau sự cố nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản, ngành năng lượng nguyên tử Nga vẫn không mất đi một đối tác nước ngoài nào nhờ trình độ công nghệ hạt nhân cao và độ an toàn tối đa trên cơ sở 25 năm nỗ lực rút kinh nghiệm về công nghệ - kỹ thuật sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl (Ukraine). Tổng Giám đốc Rosatom Sergey Kirienko khẳng định, nâng cao độ an toàn hạt nhân là một trong những hướng ưu tiên hàng đầu của tập đoàn này trong thời gian tới.

Cốt lõi của sự an toàn trong công nghiệp hạt nhân Phần Lan

Ông Tiina Tigerstedt, Giám đốc Quan hệ công chúng và truyền thông quốc tế, Công ty điện hạt nhân Fennovoima, Phần Lan chia sẻ, an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp hạt nhân của nước này và cốt lõi của nó là không ngừng chuẩn hóa, liên tục cải tiến, phát triển, luôn hướng đến những công nghệ vượt trội hơn.