Chỉ số hàng tồn kho giảm do sức mua tăng?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương được tổ chức mới đây, người phát ngôn của Bộ khẳng định, cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước đang tăng, chỉ số tồn kho giảm… cho thấy những bước chuyển biến rõ rệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh 7 tháng qua. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi đặt ra là chỉ số hàng tồn kho giảm liệu có phải do sức mua tăng hay do chính sự điều chỉnh giảm sản xuất của doanh nghiệp?

Chỉ số hàng tồn kho giảm do sức mua tăng?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2012, tính chung 7 tháng, chỉ số này tăng 5,2%. Cùng với đó, chỉ số tồn kho của các ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giảm. Tại thời điểm 1/7/2013 tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước (giảm 0,9 điểm % so với cùng thời điểm tháng trước). Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với năm trước gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 32,3%, sản xuất giày dép giảm 19,2%, sản xuất xi măng giảm 33,7%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 75,2%; sản xuất thiết bị truyền thông giảm 76,9%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,8%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 18,9%; sản xuất ô tô giảm 38,1%...

Có được điều đó - theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa  là do thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đã được cải thiện. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành tiếp tục có mức tiêu thụ tăng ổn định như: sản xuất hàng may sẵn tăng 40,8%; sản xuất giày, dép tăng 28,7%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 15,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 28,3%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,4%...

Theo Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Trần Văn Huynh, lượng hàng tồn kho của ngành xây dựng (tính chung 7 tháng qua) có giảm nhờ vào việc tiêu thụ trong nước có cải thiện - nhưng không đáng kể. Cái chính vẫn là do các doanh nghiệp tự điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất và tăng cường tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu. Trong lĩnh vực xi măng, lượng hàng tồn kho 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó các thị trường khác như gốm sứ xây dựng, kính xây dựng vẫn rất khó khăn do cạnh tranh thị trường trong nước và cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ngay trong báo cáo của Bộ Công thương cũng đã đưa ra những con số đáng báo động khi một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tiếp tục giảm và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như khai thác và thu gom than cứng (giảm 1,4%), sản xuất gang, thép (giảm 2,6%), sản phẩm điện tử, điện dân dụng (giảm 13,8%). Cùng với đó là các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm đáng kể, như các sản phẩm điện tử, điện dân dụng (giảm 15,2%), hay việc tiêu thụ đường (giảm 35%)... Những số liệu về chỉ số tồn kho tăng cao của một số ngành cũng rất đáng lưu ý, như: sản xuất đường tăng 49,6%, sản xuất pin và ắc quy tăng 37,7%, sản xuất dây, cáp điện, dây dẫn điện tử khác tăng 47,7%, sản xuất mô tô, xe máy tăng 30%...

Bộ Công thương cũng thừa nhận, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp từng tháng vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ, tuy nhiên, tính chung chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của cả nước còn chuyển biến chậm (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng là 4,9%; 6 tháng 5,0%). Điều này chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sức mua xã hội còn thấp. Đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp phải cùng nỗ lực hơn nữa triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, mở rộng thị trường, giải quyết nợ xấu nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm góp phần hoàn thành kế hoạch năm 2013.

Trong 8 nhóm giải pháp được đưa ra để thực hiện trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Bộ Công thương vẫn đặc biệt lưu ý các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa để giải quyết hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Đồng thời, thực hành tiết kiệm, tiết giảm thêm từ 10% đến 30% các khoản chi còn lại của các tháng cuối năm.