CPTPP có tiêu chuẩn cao

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Với nhiều tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự báo sẽ mang lại cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp cũng như động lực lớn để cải cách thể chế. Song thách thức trong thực thi CPTPP không hề nhỏ, thậm chí là lớn hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do trước đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp định “toàn diện” và “tiến bộ”

Tại Hội thảo “Hiệp định CPTPP: Các cam kết cơ bản - những lưu ý cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương tổ chức sáng 22/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng CPTPP có mức độ tham vọng, tiêu chuẩn thấp hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì các nước thành viên thống nhất với nhau tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng.

Đây là một sự hiểu lầm lớn, ông Khánh khẳng định. Theo ông, toàn bộ cam kết về mở cửa thị trường của TPP cũng như tuyệt đại đa số các nội dung quan trọng khác bao gồm các lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống vẫn được giữ nguyên trong CPTPP. “CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao”, ông nhấn mạnh.

Với CPTPP, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tiến trình hội nhập sâu hơn với các thị trường ưu tiên, đặc biệt là mở ra những cánh cửa quan trọng để tiến sâu vào thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng. Không có Hoa Kỳ, bàn cờ lợi ích đã chuyển hướng. Lợi ích xuất khẩu lớn mà Việt Nam kỳ vọng ở thị trường này đã không còn, cơ hội lại chuyển sang các thị trường khác mà Việt Nam chưa hẳn đã quen thuộc, nhưng rất có thể nhiều tiềm năng.

Ở những lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Ngô Chung Khanh, các nội dung cam kết của CPTTP vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, nếu TPP cần thời gian khá dài mới có thể có hiệu lực, thì CPTPP có hiệu lực rất nhanh, nhiều nước cam kết phê chuẩn trong năm nay, do đó rất nhiều cam kết phải thực thi ngay.

Nhìn từ góc độ thể chế, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết CPTPP cũng tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP, đặc biệt trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài… Điều này sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan.

Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn, nhưng lợi ích từ cải cách thể chế (chỉ xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.

Do đó, trong tổng thể, những đòi hỏi cải cách thể chế từ CPTPP vẫn luôn được đặt ra. “Với những điều kiện cao tạo ra nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư, CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Sức ép cải cách

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cải cách thể chế kinh tế theo yêu cầu của CPTPP cộng hưởng với những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thúc đẩy là một trong những thách thức đối với Việt Nam.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) Hà Duy Tùng, khi tham gia CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường mới, tăng trưởng xuất khẩu, từ đó tăng đầu tư và việc làm. Tuy nhiên thách thức từ cạnh tranh cũng tăng lên, điển hình là thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may để đáp ứng nguyên tắc xuất xứ.

Một khó khăn khác được ông Tùng chỉ ra, các mặt hàng của một số nước thành viên CPTPP có nhiều nét tương đồng với những mặt hàng vốn được coi là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, do đó, các nước này sẽ tìm cách bảo hộ sản phẩm trong nước bằng cách tạo ra các rào cản kỹ thuật, gây khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam.

Đồng thời, chính hàng hóa nước họ cũng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt khi cùng xuất khẩu tới một nước thành viên khác của CPTPP, nhất là các mặt hàng như dệt may, giày dép…

Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc tận dụng các cơ hội từ CPTPP. Đơn cử như tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình của các hiệp định FTA hiện chỉ xấp xỉ 30% - 40%, đây là tỉ lệ còn hạn chế.

Thách thức lớn hơn và riêng có của CPTPP là doanh nghiệp phải chủ động tham gia cùng các cơ quan nhà nước để kiến tạo hệ thống thể chế pháp luật và môi trường kinh doanh, sao cho vừa tuân thủ CPTPP, vừa tận dụng được không gian chính sách còn lại, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt muốn chiếm lĩnh thị trường thế giới cần phải đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, bắt buộc phải tự nâng cao năng lực và đặc biệt doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn.

Nếu không làm được điều đó, các chuyên gia lo ngại doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ.

Góp ý thêm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung cam kết của CPTPP, cùng với những tác động và thay đổi của CPTPP trong bối cảnh mới là rất cần thiết để các doanh nghiệp hoạch định tốt hơn mục tiêu kinh doanh của mình.

Đối với các cơ quan nhà nước liên quan, cần phải có quyết tâm tổ chức thực thi các cam kết CPTPP một cách thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường, và phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP.