“Cửa” nào tới vốn rẻ ngân hàng?

Theo Pháp luật Việt Nam

Lãi suất cho nhiều khoản vay hiện đã được giảm xuống phổ biến quanh mức 13 - 14%/năm, và ngân hàng cũng đang tích cực giới thiệu nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Cửa” nào tới vốn rẻ ngân hàng?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngân hàng “mở” hầu bao

Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, gói tín dụng đầu tiên dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) công bố. Gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng của MB, với lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 9.99%/năm. ​Đây là mức lãi suất tương đối thấp so với mức 13%/năm đang được áp dụng phổ biến trên thị trường hiện nay, thậm chí còn thấp hơn cả mức mà nhiều chuyên gia và DN kỳ vọng là 11 – 12%/năm.

Điều này đã phát đi những tín hiệu tích cực, làm dấy lên những kỳ vọng về các gói ưu đãi lãi suất dành cho DN sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2013 này. Đặc biệt, gói tín dụng này của MB khá linh hoạt khi áp dụng chính sách điều chỉnh theo biến động của lãi suất cơ bản.

Theo ông Đinh Như Tuynh – Phó Giám đốc Khối DNNVV (MB), “việc tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ngay sau khi gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ vừa kết thúc nhằm tạo ra một chuỗi hỗ trợ mang tính liên tục cho doanh nghiệp, giúp họ tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh. Vả lại, DNNVV cũng là nhóm đối tượng nằm trong diện ưu tiên cung cấp tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”.

Lãi suất cho vay dành cho 5 lĩnh vực sản xuất ưu tiên gồm xuất khẩu, DNVVN, DN ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ và sản phẩm có chứa hàm lượng công nghệ cao đã giảm xuống, xoay quanh mức 12%/năm.

Thực tế, tính đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh liên tục giảm xuống dưới mặt bằng 15% như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và đang phổ biến ở mức 13 - 14%/năm. Trong một số chương trình ưu đãi, lãi suất đối với khách hàng tốt thậm chí chỉ còn ở mức trên dưới 11%/năm.

Tìm kiếm các giải pháp tài chính vững chắc cho nhóm khách hàng DNVVN là một trong những ưu tiên phát triển của MB. Hiện nay, MB đang đi theo hướng tập trung tư vấn và cung cấp gói sản phẩm dựa trên đặc thù của mỗi doanh nghiệp, đặc thù ngành nghề, địa lý và chuỗi phân phối.

Dựa trên các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cơ bản, MB chọn lọc, cấu trúc lại dựa theo yêu cầu của từng nhóm khách hàng cụ thể, cùng với một mức giá trọn gói hợp lý, nhằm tối đa hóa hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên, giám đốc một phòng giao dịch MB cho hay, 2 tuần qua, từ khi MB tung ra gói tín dụng này, có nhiều DN đã đến tìm hiểu.

Doanh nghiệp vẫn hoài trông

Lãi suất cho vay duy trì ở mức cao là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, cũng như khiến cho nhu cầu vay vốn trên thị trường giảm xuống. Chính vì thế, ngay khi gói tín dụng hấp dẫn nói trên của MB được tung ra, dù đúng vào thời điểm “tháng ăn chơi”, nhưng không ít DN bỏ công sức tìm hiểu.

Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc một DN ngành cơ khí ở Hà Nội cho hay, dù rất “thèm” vốn, nhưng không phải lúc nào DNNVV có cơ hội tiếp cận được vốn giá rẻ. Ví dụ như trong gói tín dụng “MB chung sức cùng các DNVVN” – được đánh giá là mang lại khá nhiều lợi ích cho DN đã nói ở trên, áp dụng đối với các món giải ngân mới, kỳ hạn tối đa lên tới 6 tháng, nhưng chỉ dành cho các khách hàng có xếp hạng tín dụng từ loại A trở lên, không có nợ xấu tại thời điểm xét giải ngân.

“Thời điểm này, đâu có nhiều DN dáp ứng đủ điều kiện như thế. Và nếu có, thì những DN đó lại được ngân hàng tận tình mời chào, chứ không phải bỏ công đi tìm ngân hàng”, ông Tuấn nói. “Giá MB “mở” hơn, ví như nợ xấu ở tỉ lệ nhất định nào đó cũng sẽ được chấp nhận, thì tôi tin rằng nhiều DNNVV sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn này hơn”.

Trong khi đó, đại diện Công ty Hóa dệt Hà Tây cho phóng viên biết, trong nhiều trường hợp, DN không phải lúc nào cũng ngóng đến ngân hàng có lãi suất cho vay thấp nhất. Vì vậy, một mặt giảm lãi suất, mặt khác các ngân hàng không ngần ngại đơn giản hóa các điều kiện cho vay nhằm tối đa hóa khả năng tiếp cận vốn và đồng hành cùng DN.

“Bên cạnh lãi suất, việc hợp tác với DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn khi có nhu cầu là điều mà DN mong đợi ở ngân hàng nhất”, ông này nói. Điều DN mong đợi chính là việc ngân hàng thiện chí cùng DN gỡ những “nút thắt” trong quá trình hợp tác cùng nhau.

Chính vị giám đốc Phòng giao dịch MB cũng thừa nhận, "lãi suất hiện nay không phải là trở ngại chính trong việc kích cầu tín dụng, mà còn do khả năng tiếp cận vốn, hợp tác của từng DN trong việc tháo gỡ các nút thắt".

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ngân hàng tính toán điều chỉnh chi phí để cung cấp các nguồn vốn giá rẻ là giải pháp cần thiết, và việc DN có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ đó còn là việc cần thiết hơn để có thể đảm bảo lợi ích cho cả ngân hàng và DN.