“Đất sống” nào cho chợ truyền thống?

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Vụ việc hàng nghìn tiểu thương chợ An Đông (quận 5, Tp.HCM) mới đây bãi thị vì bức xúc chuyện thu chi, sửa chữa chợ đã phần nào khiến những người kinh doanh ở các chợ truyền thống cảm thấy tổn thương nếu chính sách không ứng xử khéo.

Những tiểu thương ở các chợ truyền thống sẽ dễ tổn thương nếu chính sách không ứng xử khéo. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Những tiểu thương ở các chợ truyền thống sẽ dễ tổn thương nếu chính sách không ứng xử khéo. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Trong bối cảnh kênh bán lẻ hiện đại ngày càng lấn át như hiện nay, “đất sống” cho chợ truyền thống sẽ ra sao khi thiếu những chính sách phù hợp.

Trong vấn đề xảy ra ở chợ An Đông, lãnh đạo UBND quận 5 đã lên tiếng xin lỗi các tiểu thương về việc chậm trễ cải tạo, sửa chữa chợ. Nhưng điều đó chưa đủ để giải tỏa sự bức xúc của các tiểu thương về tính minh bạch của chính quyền địa phương khi các tiểu thương đã góp hơn 217 tỷ đồng để sửa chữa chợ trong thời gian dài mà đơn vị chức năng đến giờ vừa chậm triển khai vừa không thể hiện rõ số tiền đóng góp được sử dụng ra sao.

Làm tổn thương các tiểu thương

Trước hết, phải thấy rằng hạ tầng của chợ An Đông đã xuống cấp từ lâu. Với những người đã quen vào siêu thị thì đập vào mắt họ khi vào khu chợ này là những mặt tiền chợ nhếch nhác, các sạp hàng bên trong lồng chợ cũ kỹ, nóng bức và thấm dột… khiến cho nhiều khách hàng đến đây rồi “một đi không trở lại”.

Ông Phạm Minh Dương, một tiểu thương ở chợ, chia sẻ, nếu các tiểu thương không bãi thị để đòi quyền lợi sẽ không ai đại diện cho họ đòi quyền lợi cho mình. Tức nước vỡ bờ, tiền nộp đầy đủ cho ban quản lý chợ từ bao năm nhưng chính quyền quận vẫn không sửa sang, giải quyết thấu tình đạt lý nên mới có cơ sự như hôm nay.

“Người buôn bán cũng vì bữa cơm hằng ngày. Nếu cơ quan quản lý không giúp đỡ, tạo điều kiện thì khác nào đẩy các tiểu thương vào đường cùng. Cho nên, các tiểu thương mong có chính sách giải quyết vấn đề hợp tình, hợp lý”, ông Dương bộc bạch.

Thiệt hại rõ nhất là hoạt động kinh doanh của 2.300 sạp của các tiểu thương ở chợ này đang xuống dốc (có lúc sức mua giảm đến 70%) do giảm sức cạnh tranh khi các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh.

Nêu chuyện này ra để hiểu rằng những tiểu thương ở một chợ đầu mối lớn như An Đông đang bị tổn thương lớn vì sự thiếu quan tâm của cơ quan quản lý đối với chợ truyền thống, buộc họ phải chọn giải pháp “bãi thị”. Liệu tiểu thương ở các chợ truyền thống khác trong cả nước sẽ nghĩ sao từ vấn đề này một khi cơ quan quản lý “bỏ rơi” họ?

Trong khi đó, số chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh đang có chiều hướng ngày càng giảm. Nếu như năm 2005 có trên 300 chợ, cho đến nay chỉ còn khoảng 240 chợ, trong đó có 38,2% chợ “lớn tuổi” xây dựng trước năm 1975 đang gặp tình trạng xuống cấp.

Điều đáng nói, ngoài sức mua của một số chợ ở khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành còn khá vững, đa phần chợ truyền thống tại các quận, huyện đều yếu đi nhiều, chỉ mạnh ở các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng tạp hóa.

Thách thức “cửa sống”

Nên nhắc thêm, trong định hướng phát triển hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ đến năm 2025 của TP. Hồ Chí Minh là sẽ không xây thêm các chợ mới ở khu vực nội thành, giảm dần số lượng chợ tại khu vực trung tâm.

Đối với các chợ không phù hợp với quy hoạch sẽ tiếp tục thực hiện giải tỏa và di dời ra khỏi trung tâm thành phố. Như vậy, các tiểu thương phải hiểu tương lai của chợ truyền thống không phải mở ra mà sẽ co cụm lại.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Huyền Nga, chủ một sạp kinh doanh ở chợ truyền thống, cho biết xu hướng mua sắm hiện nay là khách hàng muốn đến những nơi rộng rãi, tiện lợi, hiện đại, hàng hóa trưng bày bắt mắt.

Trong khi đó, các sạp chợ trong chợ quá nhỏ, cũ kỹ nên không hút được người mua. Chưa kể, các tiểu thương phải đóng đủ loại thuế, phí nên càng thêm khó khăn.

Ước tính hiện có khoảng 9.000 chợ truyền thống trên khắp cả nước và theo dự báo, số lượng chợ truyền thống sẽ có xu hướng giảm để nhường chân cho các kênh bán lẻ hiện đại.

Dự báo từ một số công ty nghiên cứu thị trường cũng cho biết, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại; riêng ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại đến thời điểm đó sẽ tăng đến 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho ngành bán lẻ hiện đại nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.

Giới chuyên gia nhận định, các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị quy mô vừa – nhỏ, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh trong thời gian tới được xem như quy luật tất yếu, điều cũng nằm trong thông lệ phát triển thị trường bán lẻ nhiều nước của khu vực.

Điều đó buộc các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách phải có cái nhìn cẩn trọng hơn trong việc tạo “đất sống” cho sự phát triển chợ truyền thống trong tương lai.

Tuy nhiên, theo một thống kê khác, các mô hình bán lẻ hiện đại (vốn chỉ mạnh tại các vùng đô thị) thực ra mới chiếm khoảng 30 – 40% thị phần bán lẻ Việt Nam, khoảng 60 – 70% thị phần vẫn thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống (đặc biệt ở vùng nông thôn) như chợ truyền thống, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa mà hiện vẫn chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ nội địa.

Mặc dù mô hình bán lẻ truyền thống là nhóm chủ thể chiếm số lượng đông đảo nhất (khoảng 1,5 – 1,7 triệu cơ sở), kinh doanh theo các hình thức truyền thống nhất (nhất là các sạp trong các chợ truyền thống), tạo ra số lượng việc làm lớn nhất (khoảng 2 – 2,5 triệu việc làm), chiếm phần lớn nhất trong thị trường bán lẻ Việt Nam hiện tại, nhưng lại có quy mô từng cá thể nhỏ nhất, năng lực cạnh tranh được xem là yếu nhất và do đó, dễ bị tổn thương nhất.

Nói như thế để thấy “cửa sống” của các chợ truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cho nên, trước sự lấn át của kênh bán lẻ hiện đại, các cơ quan quản lý cần có chính sách hợp lý hơn, ứng xử khéo hơn nữa với loại hình chợ truyền thống đang chứa đựng nhiều bất trắc này.