Năng suất lao động - con đường tới thịnh vượng

Theo Nguyễn Ngọc/daibieunhandan.vn

Năng suất lao động là yếu tố chủ chốt cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, năng suất lao động của Việt Nam vẫn nằm ở “đáy” so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, việc tăng năng suất lao động là con đường duy nhất đưa đất nước đạt mức thu nhập bình quân đầu người 15 - 18 nghìn USD vào năm 2035 - trở thành đề tài nóng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có cải thiện, nhưng chưa đủ  

Cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương khoảng 4.100 USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011 - 2016 và 3,45% giai đoạn 2006 - 2010.

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận, thành tích tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, chưa phải là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành.

Nền kinh tế có nhiều cái nhất, như có nhà máy tôm lớn nhất thế giới; sản xuất cá tra đứng đầu thế giới; sản xuất cà phê, điều, gạo đứng hàng đầu... nhưng năng suất lao động của chúng ta trong các ngành nghề chủ yếu đó đang đứng ở đâu so với khu vực và đối thủ? Đây là một câu hỏi rất dễ trả lời!

Bên cạnh đó, năng suất lao động của nước ta đang rất thấp so với nhu cầu phát triển. Với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chỉ đạt 4,7% trong các năm 2011 - 2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau khi mà tốc độ tăng năng suất thấp hơn tốc độ tăng GDP (khoảng 6,21% cùng thời kỳ) và tốc độ tăng lương thực tế (12,59%/năm) “Nghĩa là chi phí sản xuất ở nước ta đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hóa hiện hữu khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế”, ông Tuấn lo ngại.

Đáng chú ý là tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á, Đông Nam Á và vẫn thấp xa so với Trung Quốc.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% của Philippines.

Ông Lâm cũng cảnh báo tình trạng chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. “Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế nước ta phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước”.

Những lực cản

Nếu như năng suất lao động là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau thì cũng có muôn vàn lý do khiến cho năng suất lao động của nước ta vẫn “lẹt đẹt” sau nhiều năm.

Đầu tiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, nhất là những ngành dịch vụ mũi nhọn như tài chính, tín dụng, du lịch. Kế đó, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động của ngành này thấp.

Cũng không thể không kể tới tình trạng máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ ở nước ta còn lạc hậu. Thực tế này được minh họa bằng những thống kê không còn đủ mới để gây ngạc nhiên: Đa số doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới; có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.

Nguyên nhân nữa là trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; còn một số điểm nghẽn về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.

Cuối cùng, khu vực doanh nghiệp - khu vực có vai trò rất quan trọng trong nâng cao năng suất lao động của toàn nền kinh tế chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế.

Năng suất lao động và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là một thách thức nhưng có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với năng suất cao hơn, tăng việc làm cũng sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”.

Để nâng cao năng suất lao động, người đứng đầu Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Ông cũng đề nghị phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử), một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Quan trọng là người đứng đầu

Ý tưởng thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia đã được nêu ra vài năm trước. Cơ quan này có thể cần thiết nhưng chắc chắn không thể giải quyết hết những vấn đề đang đặt ra về năng suất lao động.

Năng suất lao động của quốc gia được cấu thành từ năng suất lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nghiên cứu khoa học đều chưa có động lực để theo đuổi một chương trình tăng năng suất. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nói về lực cản trong vấn đề cải tiến năng suất - chất lượng, yếu tố được đề cập trước nhất chính là sự tập trung quan tâm của các ông chủ, giám đốc doanh nghiệp.

“Yếu tố lãnh đạo rất quan trọng”, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh thừa nhận. Bà cho rằng, năng suất lao động gắn liền với CEO - những người thực sự lãnh đạo doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup Nguyễn Ngọc Thủy cũng có quan điểm tương tự. Giám đốc phải là người chịu trách nhiệm tuyệt đối về năng suất lao động. của doanh nghiệp. Năng suất lao động tuy bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu tạo được môi trường văn hóa cạnh tranh lành mạnh, thưởng phạt phân minh, làm sao có thể thu hút, giữ và phát triển người tài.

Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Bang Huyn Woo,  năng suất lao động Việt Nam tương đương 99% các nước. Mặc dù trên thực tế, trình độ lao động của Việt Nam có thể thấp hơn, tuy nhiên ông Bang Huyn Woo nhận thấy tiềm năng của lao động Việt Nam rất lớn.