Những nghi án đến từ các doanh nghiệp FDI: Hệ lụy từ những kẽ hở pháp lý

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Đóng vai trò không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam, song những nghi án về chuyển giá và cả hiện tượng "bỏ của chạy lấy người” trốn khỏi Việt Nam của nhiều ông chủ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đang khiến dư luận bất an. Và câu hỏi đặt ra là: Phải chăng luật pháp vẫn còn nhiều kẽ hở để các DN này dễ bề luồn lách?

Hàng trăm DN "vắng chủ”

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến hoạt động của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết, hiện có tới trên 500 DN FDI không có người đứng đầu, hay nói đúng hơn là "vắng chủ” với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 903 triệu USD. "Tình trạng DN FDI bỏ trốn về nước hoặc không liên lạc được trong thời gian gần đây có sự gia tăng đáng kể” – lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhận định.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính từ đầu năm 2013 đến nay đạt khoảng 11,2 tỷ USD, bằng 119,6% cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các DN FDI đang hoạt động đã đóng góp tới 56.300 tỷ đồng trong tổng nguồn thu ngân sách từ nội địa (không kể dầu thô); đồng thời chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các DN này chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, như quản lý DN, xây dựng, bất động sản, thương mại, phần mềm…Số còn lại là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Phần lớn các DN này do nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc thực hiện, có quy mô nhỏ với số vốn đăng ký dưới 500.000 USD và thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác mà không có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Nguyên nhân chính được Bộ KH&ĐT chỉ ra rằng, do DN làm ăn không hiệu quả, luôn trong tình trạng  thua lỗ, không trả được nợ cũng như nợ lương người lao động và không hoàn thành được nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên buộc phải đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Mặt khác, có phần do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý, giải thể DN theo quy định của pháp luật Việt Nam còn phức tạp, mất thời gian và tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư tự bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục để chấm dứt hoạt động DN. Bên cạnh đó, không loại trừ cả trường hợp một số DN FDI hoạt động kinh doanh không lành mạnh, nhằm mục đích trục lợi từ huy động vốn, đưa lao động vào Việt Nam và bỏ về nước sau khi đạt được mục đích…

Với con số hơn 500 DN đang vắng chủ, những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đã là nhãn tiền, như việc hàng ngàn lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, hay việc các cơ quan chức năng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mới không thể giải quyết được, chẳng hạn không thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thanh lý DN, thu hồi đất, xử lý tài sản, công nợ… Tuy nhiên, do thiếu các căn cứ pháp lý cũng như e ngại trường hợp một số nhà đầu tư có thể khởi kiện ở quốc tế khi bị thu hồi dự án, Bộ KH-ĐT đang khá lúng túng trong việc xử lý các DN này.
Những nghi án đến từ các doanh nghiệp FDI: Hệ lụy từ những kẽ hở pháp lý - Ảnh 1

Thêm một "nghi án” chuyển giá, trốn thuế
Những lùm xùm liên quan đến các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài không phải bây giờ mới xuất hiện. Lâu nay, tình trạng DN FDI chuyển giá, trốn thuế cũng đã khiến các nhà quản lý đau đầu. Và những vụ việc chuyển giá của Coca – Cola, Adidas… vẫn đang còn chưa hết nóng trong dư luận, mới đây nhất, một "nghi án” chuyển giá, trốn thuế trong khu vực DN này lại xuất hiện. Đó là trường hợp Công ty Nestle – nổi tiếng thế giới về kinh doanh thực phẩm và đồ uống – mới đây đã báo lỗ. Cụ thể, thông tin từ Bộ KH&ĐT cho hay, từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam lỗ hơn 30,8 triệu USD, tương đương 20% vốn chủ sở hữu.

Việc "đại gia” trong ngành thực phẩm - đồ uống này báo lỗ không khỏi gây bất ngờ sau khi hãng vừa mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với việc khánh thành nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại tỉnh Đồng Nai. Theo báo cáo vừa được công bố đầu tháng 7 của Công ty nghiên cứu thị trường - Nielsen, Nestlé cũng đang dẫn đầu về doanh số trên thị trường cà phê hòa tan của Việt Nam. Kết quả này đang gây ra hàng loạt nghi ngờ rằng, rất có thể DN lỗ do chuyển giá (chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài), tương tự nhiều "nghi án” đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thời gian qua.

Như vậy, có thể thấy, cho dù Việt Nam đã mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào đã hơn 25 năm, song với việc pháp lý không hoàn thiện, thiếu vững chắc đang tạo những kẽ hở để nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài lợi dụng hành xử một cách thiếu minh bạch. Điều này đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế trong nước, chưa kể đến những ảnh hưởng xấu liên quan đến môi trường mà các DN FDI để lại khiến người dân nhiều địa phương "lãnh đủ”.

 Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều DN FDI khi tham gia hoạt động ở Việt Nam đã không coi trọng bảo vệ môi trường, rất lỏng lẻo trong việc quản lý, xử lý chất thải độc hại. Đặc biệt, tại các khu sản xuất công nghiệp thì rất nhiều nơi chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm ở các dòng sông và nhiều khu vực có người dân sinh sống. 

Tuy nhiên, dù không ít lần cảnh báo về thực trạng chuyển giá, trốn thuế cũng như gây ra những ô nhiễm về môi trường của các DN FDI thời gian qua, song theo khẳng định của GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giá là chuyện có thật và không bao giờ hết hẳn, vì cơ chế thị trường là thế. Dù là nước ngoài hay trong nước vẫn luôn có những DN tìm cách trốn thuế. Và điều quan trọng là chúng ta phải "bít” những lỗ hổng pháp lý để hạn chế thấp nhất những bất cập trong vấn đề này.

Và dù khẳng định những bất cập nói trên, song theo GS Mại, cũng không nên phủ nhận những thành quả mà các DN FDI đã và đang mang lại cho nền kinh tế trong nước, những đóng góp của các DN này không hề nhỏ trong suốt 25 năm qua.