Nhiều kết quả khả quan

Pháp lệnh Phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2002 là hành lang pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý việc sử dụng phí và lệ phí hiệu quả. Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành hơn 200 văn bản quy định về phí và lệ phí. Trong đó, quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng khoản phí, lệ phí. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành đã tạo ra khung pháp lý rõ ràng, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong việc ban hành, tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.

Cụ thể, qua 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, đến nay đã đạt được một số kết quả sau:

Thứ nhất, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành kịp thời, đồng bộ đã tạo ra khung pháp lý rõ ràng, góp phần quan trọng trong việc tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí. Cụ thể, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 115/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2006/NĐ-CP… Trên cơ sở các văn bản pháp luật trên, danh mục các loại phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh đã được Chính phủ quy định chi tiết gồm 301 khoản phí và lệ phí phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính và phục vụ tốt quá trình hội nhập kinh tế thế giới…

Số thu từ phí, lệ phí năm 2011 đạt 42.023 tỷ đồng, bằng 5,8% tổng thu NSNN; năm 2012 đạt 29.112 tỷ đồng, bằng 3,9% tổng thu NSNN; năm 2013 đạt 31.271 tỷ đồng, bằng 3,8% tổng thu NSNN. Trong đó, số thu NSNN từ phí, lệ phí của các cơ quan Trung ương thấp hơn số thu của các địa phương.
Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp quy định về phí, lệ phí cho chính quyền địa phương. Theo đó, ngoài 20 khoản phí Chính phủ đã phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quy định tại Nghị định 57/2002/NĐ-CP, trong quá trình thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí, Chính phủ còn phân cấp thêm cho địa phương quyết định mức thu và quản lý, sử dụng đối với các khoản phí khác, như: Thuỷ lợi phí, học phí, viện phí, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, lệ phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất…

Thứ ba, các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ phí, lệ phí và tình hình quản lý, sử dụng các khoản phí, lệ phí đạt nhiều kết quả khả quan. Báo cáo tổng hợp số thu NSNN về phí và lệ phí từ năm 2011- 2013 của Bộ Tài chính cho thấy, số thu từ phí, lệ phí năm 2011 đạt 42.023 tỷ đồng, bằng 5,8% tổng thu NSNN; năm 2012 đạt 29.112 tỷ đồng, bằng 3,9% tổng thu NSNN; năm 2013 đạt 31.271 tỷ đồng, bằng 3,8% tổng thu NSNN. Trong đó, số thu NSNN từ phí, lệ phí của các cơ quan Trung ương thấp hơn số thu của các địa phương.

Thứ tư, việc quản lý sử dụng nguồn thu phí, lệ phí được các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định về thu, nộp, sử dụng đúng mục đích, minh bạch và công khai. Điều này được thể hiện ở 2 mặt: (i) công khai với đối tượng nộp phí, lệ phí; (ii) công khai, minh bạch trong cơ quan thu phí, lệ phí.

Thứ năm, cơ chế quản lý phí, lệ phí được đổi mới theo hướng gắn liền với thực hiện xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động, tự chủ cho các đơn vị quản lý thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí...

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình thực hiện thu phí, lệ phí đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc sau:

Một là, còn tồn tại nhiều loại văn bản pháp quy chồng lấn, chưa thống nhất về phí, lệ phí trong khi trên thực tế hiện đang tồn tại quá nhiều loại phí, lệ phí gây gánh nặng đối với doanh nghiệp (DN) và người dân.

Hai là, một số loại phí không còn phù hợp và đang có xu hướng chuyển sang cơ chế giá dịch vụ. Tại thời điểm ban hành Pháp lệnh, các khoản thu này được xác định là phí và đưa vào danh mục phí và lệ phí, như: Phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô; phí vệ sinh, phí qua đò, phí chợ, phí bến bãi... Đến nay, nhiều tổ chức, đơn vị công lập chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính hoặc DN và sự tham gia của DN tư nhân vào các lĩnh vực này theo cơ chế xã hội hóa. Ví dụ: Đầu tư xây dựng bãi trông giữ xe, đấu thầu kinh doanh vệ sinh môi trường, công ty chợ, đầu tư cho thuế bến bãi, nên đến nay vẫn thu các khoản này dưới hình thức phí là không phù hợp.

Tính đến nay, có 280 khoản phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn thực hiện, còn lại 21 khoản phí, lệ phí tuy có trong danh mục nhưng chưa ban hành văn bản thu (chưa thu). Trong 280 khoản, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành 25 khoản phí và 16 khoản lệ phí.

Ba là, trong quá trình thu phí, lệ phí có một loại phí trùng với một số khoản thu khác. Về tên gọi và nội dung thu, phí an ninh, trật tự; phí phòng, chống thiên tai trùng với những khoản thu mang tính chất đóng góp tự nguyện tại các địa phương (đóng góp Quỹ an ninh, quốc phòng theo quy định của Pháp lệnh dân quân tự vệ, hoặc Quỹ phòng, chống bão lụt theo Pháp lệnh Phòng chống lụt bão). Trên thực tế, hiện nay 2 loại phí an ninh, trật tự và phí phòng, chống thiên tai cũng đang được miễn thu theo Chỉ thị số 24/2007/ CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, có một số khoản thu tuy tên gọi là lệ phí, nhưng trong thực tế có vai trò như là một loại phí. Vì vậy, khi xây dựng Luật phí, lệ phí sửa đổi cần rà soát lại danh mục các khoản phí, lệ phí sao cho phù hợp với tính chất của mỗi loại phí, lệ phí.

Giải pháp định hướng phí, lệ phí

Để hoàn thiện và khắc phục những hạn chế nói trên về phí, lệ phí, tác giả xin đưa ra một số giải pháp định hướng sau:

Thứ nhất, rà soát và thống nhất một số loại phí, lệ phí đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính thống nhất theo quy định của pháp luật phí và lệ phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thứ hai, nghiên cứu và xem xét tiếp tục bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tránh để tình trạng tồn tại quá nhiều loại phí, lệ phí gây bức xúc cho người dân, DN. Dẫn chứng trong 5 năm từ 2002- 2007, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí đã ban hành không có trong danh mục.

Thứ ba, thời gian tới, nghiên cứu tăng cường phân cấp cụ thể, chi tiết hơn nữa cho địa phương quyết định đối với các khoản thu phí, lệ phí, trong đó có thẩm quyền về miễn, giảm phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương. Theo đó, nên giao cho chính quyền địa phương quyết định miễn, giảm phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của mình. Cùng với đó, giao quyền tự chủ cho các địa phương có quyền bãi bỏ, đình chỉ thi hành các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của mình.

Thứ tư, ban hành các điều khoản quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa về các khoản phí không do Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính là phí không thuộc NSNN hoặc chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.

Thứ năm, thời gian tới, xây dựng Pháp lệnh phí, lệ phí sửa đổi theo hướng đưa ra khỏi danh mục các loại phí, lệ phí có tên trong danh mục nhưng thực tế không phát sinh nhu cầu; Loại đã chuyển sang thu theo cơ chế giá dịch vụ theo quy định các Luật chuyên ngành; Chuyển sang cơ chế giá đối với một số loại phí gắn với các loại hoạt động dịch vụ có thể thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (như: phí trông giữ xe, phí chợ, phí qua đò…).

Tài liệu tham khảo:

1.Bộ Tài chính (2014), Báo cáo về tình hình thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí;

2.Đẩy mạnh phân cấp quy định về phí lệ phí cho chính quyền địa phương, Tạp chí Tài chính, ngày 14/04/2014;

3. Làm rõ phí và lệ phí để thu đúng, báo Nhân dân, ngày 10/04/2014;

4. Loại bỏ những bất cập về phí, báo Hải quan, ngày 29/04/2014.

Thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí: Những vấn đề đặt ra

ThS. PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO - Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp

(Tài chính) Qua 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí đã đạt được những kết quả khả quan nhất định với số thu vào ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay đang tồn tại quá nhiều loại phí và lệ phí gây gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Bài viết phản ánh kết quả đã đạt được, phân tích tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu để loại bỏ những bất cập về phí, lệ phí.

Xem thêm

Video nổi bật