Trao quyền điều tra thuế cho cơ quan thuế sẽ góp phần tăng hiệu quả xử lý trốn thuế?

Theo tapchithue.com

(Tài chính) Hiện nay, quyền điều tra thuế đang được giao cho các cơ quan tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan phát hiện ra đối tượng trốn thuế rất nhiều nhưng tỷ lệ xử lý được lại rất thấp. Hệ quả này âu cũng là tất yếu, bởi việc điều tra thuế đòi hỏi phải có nghiệp vụ riêng vì đặc trưng của thuế có liên quan đến hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán, nên người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ thì công việc mới đạt hiệu quả cao.

Từ mục tiêu...

Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 đã chỉ rõ một trong những mục tiêu của việc ban hành Luật Quản lý thuế là “nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác này, đặc biệt có chế tài, biện pháp xử lý mạnh hơn đối với các trường hợp trốn thuế, lậu thuế”.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã đề cập nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng bộ phận điều tra thuế và mối quan hệ giữa bộ phận điều tra thuế với cơ quan điều tra của các Bộ liên quan và cơ quan tư pháp”.

Các mục tiêu trên nhằm xác lập bước phát triển mới, nâng cao trình độ quản lý thuế của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, xây dựng ngành thuế Việt Nam tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, đảm bảo thực thi tốt pháp luật; đảm bảo quản lý thuế công bằng, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả; phục vụ tốt tổ chức, cá nhân nộp thuế và phù hợp với chuẩn mực quốc tế; nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế (NNT); tăng cường việc thanh tra giám sát của cơ quan thuế (CQT); đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước (NSNN), nhằm phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

... đến hành trình kiến nghị quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế

Với đích đến đó, tháng 4/2005, ngay từ dự thảo đầu tiên, Luật Quản lý thuế đã trao cho CQT quyền điều tra, khởi tố các vụ án hình sự về thuế. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội yêu cầu phân biệt rõ mối quan hệ và ranh giới giữa điều tra của CQT với điều tra của các cơ quan tố tụng, dự thảo Luật Quản lý thuế sau đó đã chính thức hạn chế quyền của CQT: từ điều tra, khởi tố hình sự các vụ án vi phạm nghiêm trọng về thuế sang điều tra hành chính về thuế. Bình luận về việc này, nhiều luật gia đã cho rằng, CQT cần phải được trao quyền khởi tố và điều tra.

Bởi không ai kể cả cảnh sát, hiểu rõ nghiệp vụ và mọi ngóc ngách về thuế bằng các cán bộ, công chức thuế. Theo các luật gia, tại nhiều nước trên thế giới, quyền lực của CQT là rất lớn. ở Pháp, trên cơ sở điều tra của CQT, Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền chuyển thẳng hồ sơ sang cơ quan công tố để truy tố người trốn thuế ra tòa mà không cần phải thông qua cơ quan điều tra của cảnh sát. Còn ở Mỹ, người ta có thể gác chân lên bàn khi nhân viên cảnh sát đến “hỏi thăm”, nhưng cứ đến hẹn thì ai cũng phải vắt chân lên cổ để khai thuế cho kịp thời hạn.

Ngay ở trong nước, nếu so với một số cơ quan khác như kiểm lâm, hải quan thì quyền lực của CQT vẫn “lép” hơn, mặc dù lĩnh vực thuế quan trọng không kém. Đó là chưa kể sắp tới đây, tỷ trọng thuế nhập khẩu sẽ ít đi do hội nhập và vì thế, vai trò của thu nội địa được chú trọng hơn bao giờ hết. Mà vai trò của thu nội địa tăng thì vai trò của ngành thuế tất cũng phải tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng, nếu trao quyền quá lớn cho cơ quan thuế thì dễ dẫn đến lạm quyền, nhũng nhiều. Thiết nghĩ, để hạn chế sự lạm quyền, vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, phải có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ thông qua các quy định nghiêm ngặt của pháp luật và hệ thống giám sát đa dạng, chứ không phải quyền đó được trao cho ai.  Vấn đề đặt ra là, quyền lực phải được trao kịp thời, đúng chỗ và quyền lực đó phải được giám sát bằng quyền lực tương xứng, nếu không quyền lực sẽ dẫn đến tha hóa, nhũng nhiễu, tiêu cực. Và chân lý đó đã được minh định qua thực tế.

Hiện nay, quyền điều tra thuế đang được giao cho các cơ quan tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan phát hiện ra đối tượng trốn thuế rất nhiều nhưng tỷ lệ xử lý được lại rất thấp. Hệ quả này âu cũng là tất yếu, bởi việc điều tra thuế đòi hỏi phải có nghiệp vụ riêng vì đặc trưng của thuế có liên quan đến hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán, nên người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Hơn nữa,  trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, việc trốn thuế bao giờ cũng có sự liên kết phối hợp giữa nhiều đối tượng, do đầu vào chứng từ của doanh nghiệp này lại là đầu ra của doanh nghiệp khác, không chỉ giới hạn ở một địa phương, vùng miền. Điều này khá lôgíc với than phiền từ phía cơ quan công an rằng, việc điều tra rất phức tạp, đặc biệt là các vụ liên quan đến gian lận thuế Giá trị gia tăng.

Mặt khác, cơ quan công an, do hạn chế về lực lượng, không thông thạo về chuyên môn nghiệp vụ, không trực tiếp quản lý thông tin về thuế nên quá trình điều tra thường bị chậm trễ, dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời, tác dụng răn đe ngăn chặn các vi phạm về thuế bị hạn chế.

Bên cạnh đó, việc giao quyền điều tra, khởi tố các vụ án về thuế cho CQT còn là ràng buộc về mặt trình tự, thủ tục, buộc các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm đưa nhanh các vụ án vi phạm nghiêm trọng về thuế ra xét xử, giảm thiểu án tồn đọng, tác dụng răng đe sẽ gia tăng, phù hợp với tiến trình tự khai, tự nộp, nhằm đạt đến cán cân- công khai, minh bạch và nghiêm minh.

Vì vậy, việc bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra cho CQT là cần thiết, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa nhằm phát hiện và xử lý truy thu kịp thời tiền thuế trốn, tiền thuế bị chiếm đoạt vào NSNN, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế và sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Chỉ riêng Hà Nội, tại báo cáo tổng kết 5 năm phối hợp đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Cục Thuế Hà Nội và Công an TP. Hà Nội đã cho thấy số vụ vi phạm pháp luật thuế ngày càng gia tăng. Cơ quan thuế đã phối hợp với công an điều tra, xử lý 2.379 vụ với tổng số tiền truy thu và phạt vi phạm về thuế gần 100 tỷ đồng (trong đó, cơ quan thuế Hà Nội chuyển sang cơ quan Công an 850 vụ và Công an Hà Nội chuyển sang cơ quan thuế 1.529 vụ). Trong quá trình phối hợp, hai bên nhận định, tình hình tội phạm về thuế đang diễn biến rất phức tạp, các vụ vi phạm có xu hướng nghiêm trọng xảy ra ở hầu hết các loại hình Doanh nghiệp, gây thất thu không nhỏ cho NSNN.