Trốn thuế - đại họa giấu mặt

Theo Chinhphu.vn

Mới đây tại Nha Trang, diễn đàn thứ trưởng tài chính và phó thống đốc ngân hàng trung ương các nước APEC đã thảo luận các vấn đề về tài chính, trong đó đặc biệt về “xói mòn cơ sở thuế, chuyển lợi nhuận” (BEPS).

Tình trạng trốn thuế quá lớn làm méo mó các số liệu thống kê. Nguồn: internet.
Tình trạng trốn thuế quá lớn làm méo mó các số liệu thống kê. Nguồn: internet.


Dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu

Nói đến BEPS (base erosion and benefit shifting) hay dễ hiểu là trốn thuế, người ta nghĩ ngay đến dữ liệu, trên cơ sở đó mới biết ai đóng thuế và ai trốn thuế?

Tại cuộc làm việc với Tổng cục Thống kê hồi tháng 8 năm ngoái, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề về những bất cập trong số liệu thống kê, trong đó có số liệu thống kê về doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, điều này khiến trong nhiều trường hợp “Chính phủ điều hành mà không biết thế nào mà lần”.

Không phải chỉ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mà nhiều lãnh đạo thế giới, từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến Thủ tướng Nhật Shinzu Abe, cựu Thủ tướng Anh David Cameron… đều có bức xúc về số liệu quốc gia.

Theo nhà kinh tế Gabriel Zucman, tình trạng trốn thuế quá lớn làm méo mó các số liệu thống kê và làm những quan chức điều hành kinh tế hay hoạch định chính sách trở nên bất lực.

Gabriel Zucman, kinh tế gia Pháp 29 tuổi (2014) khi xuất bản cuốn “Tài sản giấu mặt của các quốc gia”, là thành viên của trường phái kinh tế dựa vào dữ liệu (data-based economics) do giáo sư Thomas Piketty, tác giả cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21”, thuộc đại học kinh tế Paris, dẫn đầu, không chỉ phân tích vấn đề mà còn đưa ra giải  pháp khả thi.

Mặc dù Zucman vẫn công nhận rằng hệ thống dữ liệu và phương pháp đo lường cho đến nay vẫn tồn tại nhiều nhược điểm, nhưng “không có lý do gì lại không sử dụng chúng” để tìm ra các “thiên đường thuế”. 

Nhiều người cho rằng Zucman là người không tưởng, nhưng bản thân ông cũng tin rằng không thể có sự tiến bộ trong việc chấm dứt “ đại họa” trốn thuế mà thiếu bức tranh định lượng về quy mô tiền thuế “bị mất”, dù ở cấp quốc gia, khu vực hay toàn cầu.

7.600 tỉ USD trên “thiên đường” thuế

Theo Zucman, có đến 8% (khoảng 7.600 tỉ USD) tài sản tài chính của các hộ gia đình toàn cầu nằm trong các thiên đường thuế. Các tài liệu cho thấy đến mùa xuân năm 2015, tài sản ngoại quốc gửi riêng ở các ngân hàng Thụy Sĩ đã lên đến 2.300 tỉ USD. Đó chỉ là mới tính tài sản tư nhân.

Nhưng cho đến nay các nhà kinh tế vẫn không có số liệu chắc chắn để làm rõ sự hoài nghi đó. Qua phân tích các dữ liệu được công khai gần đây bởi các ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và Luxembourg về các tài khoản của người nước ngoài, rồi dẫn tới các thiên đường thuế khác, Zucman đã đưa ra các con số tin cậy về tiền trốn thuế “khủng”- và cho rằng “việc trốn thuế này là “đầu máy” chính của con tàu bất công thu nhập vẫn điên cuồng lao về phía trước. Nói dễ hiểu hơn: Khoảng cách giàu nghèo vẫn sâu trong thế kỷ 21, phần lớn là do nạn trốn thuế!

Donald Trump thắng cử nhờ đọc được cuộc khủng hoảng giàu-nghèo này. Thật là nghịch lý khi một tỉ phú lại được hầu hết người lao động và giai cấp công nhân Mỹ lựa chọn. Ông đã hứa hẹn đấu tranh vì “nồi cơm manh áo”, công ăn việc làm… cho họ. Ông tự nhận mình là người biết cách trốn thuế, vì “quá thông minh” để nhận ra các lỗ kim của luật. Và ông hứa, chính ông mới có thể cải sửa hệ thống luật để chống lại những kẻ trốn thuế.

Tuy nhiên câu chuyện của ông Trump dù sao cũng là chuyện ngắn, còn thuế và bất công vẫn là câu chuyện dài nhiều tập.

Theo Gabriel Zucman, nếu tất cả số tiền bất hợp pháp này được minh bạch và đóng thuế, thì cơ quan thuế các quốc gia trên thế giới sẽ thu được hơn 200 tỉ USD mỗi năm, tương đương GDP một năm của Việt Nam. Đó là chưa tính tới số tiền trốn thuế doanh nghiệp còn lớn hơn nhiều. Zucman tin rằng khoảng 20% lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ được chuyển ra nước ngoài và việc tránh thuế này làm Chính phủ Mỹ thất thu 1/3 tiền thuế doanh nghiệp.

Thật ra, những nỗ lực hăng hái mới của Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân đã đúc kết thành Luật thuế tài khoản hải ngoại (FATCA: Foreign account tax compliance act 2010). Thế nhưng theo đánh giá, luật này chỉ làm khó hơn cho các cá nhân giàu trung bình, chứ không khiến những cá nhân siêu giàu từ bỏ những thủ thuật tinh vi để chuyển tài sản của họ đến một nơi trú an toàn.

Giải pháp

Vẫn theo Zucman, “tiền luôn tìm chỗ an toàn: đuổi chỗ này, nó chạy đến chỗ khác. Tư bản mà không có thiên đường thuế là không tưởng, và đánh thuế lũy tiến trên tài sản và thu nhập chắc chắn là thất bại, trừ phi chúng ta chọn con đường bảo hộ mậu dịch.”

Tuy vậy cũng có một trường phái khác cho rằng cuộc chiến chống trốn thuế sẽ thắng, nhờ vào quyết tâm của các chính phủ và các vụ phanh phui gần đây, các thiên đường thuế sẽ “chết” và sẽ phải trả các món nợ mà họ đã “chiếm dụng”. Nhưng đó chỉ là chiến thắng của đạo đức.

Trong cuộc tranh luận này, Zucman viết, “cái mà chúng ta thiếu là dữ liệu”, tức là căn cứ để tính thuế. Thế kỷ 20 đã sáng tạo ra luật thuế thu nhập, nhưng lại không tính được tài sản và thu nhập phát sinh từ cổ phiếu và bất động sản. Vấn đề là hiện nay chúng ta không cập nhật và minh bạch được dữ liệu để tính thuế, vì chúng ta vẫn theo một hệ thống thuế của “200 năm trước”. (Thomas Piketty: Lời giới thiệu cuốn “Tài sản giấu mặt của các quốc gia”, 2015).

Gabriel Zucman đề nghị một đạo luật “đăng ký tập trung” (centralized register) toàn cầu để kiểm soát được việc chuyển tài sản đến các thiên đường thuế, nhằm trốn thuế trong nước.

“Nếu không đo lường được tài sản,” Zucman viết, “thì không thể nào đánh thuế (chính xác) được”. Có thể Tổng thống Trump sẽ đi theo hướng này.

Bất luận các khó khăn mà luật thuế đối mặt, Zucman tin rằng việc thông qua luật này đánh dấu một bước ngoặt toàn cầu, bắt đầu một kỷ nguyên tiến bộ đáng kể trong việc minh bạch hóa những bí mật ngân hàng và tạo cơ hội ngăn chặn việc trốn thuế.