Ứng dụng thương mại điện tử: Nhiều rào cản

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Theo các chuyên gia, hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự hiệu quả, trong đó cơ cấu tổ chức hạn chế, quy mô vốn nhỏ, hàm lượng công nghệ trong các mô hình sản xuất, kinh doanh thấp là những rào cản lớn nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ

Theo số liệu của Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Thống kê cho thấy, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì doanh thu tăng gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.

Tại diễn đàn Giải pháp thương mại điện tử diễn ra vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Đỗ Kim Lang nhấn mạnh đến sức lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thêm nhiều dịch vụ, tư vấn, ý tưởng, các giải pháp trong cuộc cách mạng công nghệ số để từ đó có được phương án kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, ông Lang cũng cho rằng, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến thương mại điện tử chưa phát triển bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương Lại Việt Anh thì cho rằng, cơ cấu tổ chức hạn chế, quy mô vốn nhỏ, hàm lượng công nghệ trong các mô hình sản xuất kinh doanh thấp là những rào cản lớn nhất hiện nay. Bà Anh cho rằng, khi hạ tầng về công nghệ, nhận thức còn yếu thì các doanh nghiệp phải chủ động thay đổi để tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất. Mặt khác, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương, 76% máy móc và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ những năm 90 và 75% đã hết khấu hao.

Thực tế này cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin thể hiện hàm lượng công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu dừng ở khối văn phòng như email, trao đổi văn bản, trong khi việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa và điều hành sản xuất chưa cao. Đơn cử với ngành dệt may, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, còn đối với ngành sản xuất chế biến thực phẩm, con số này chỉ là 7%.

Ngoài ra, hầu hết các trang thương mại điện tử Việt Nam đều đang được xây dựng theo khuôn mẫu chung, đáp ứng một phần nhu cầu trưng bày hàng hóa, cung cấp tiện ích lựa chọn và thanh toán đơn hàng mà chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình thương mại điện tử khép kín, kết nối điểm bán hàng online và offline.

Cần phải hành động khác

Tham gia thương mại điện tử, điều mà các nhà bán lẻ cần làm không chỉ là dựng lên một website bán hàng mà còn phải tính đến bài toán tổng thể cho hệ thống kinh doanh, đồng bộ từ khâu sản xuất, marketing, quản lý đơn hàng, nguồn hàng và công tác vận chuyển, giao nhận.

Đưa ra giải pháp và xu hướng hiện nay, bà Lại Việt Anh cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng tận dụng tốt được các mạng xã hội và thương mại điện tử để bán hàng, giúp giảm bớt khâu trung gian và giảm chi phí. Điều đó cho thấy, để ứng dụng thương mại thực sự hiệu quả, doanh nghiệp cần phải tăng sự hiện diện trên internet, tăng uy tín và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, phân tích thông tin thị trường, phát triển nhân lực và tăng cường chăm sóc khách hàng. Đặc biệt phải tận dụng thương mại điện tử để thực hiện được những giao dịch xuyên biên giới - đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số nói.

Đánh giá lý do doanh nghiệp còn yếu khi tham gia vào thương mại điện tử, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Lê Hải Bình cho rằng, không phải bởi công nghệ cũng không phải ở kinh phí mà điều thiếu và yếu nhất của doanh nghiệp là sự quyết tâm và không thực sự hiểu về thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng triển khai thương mại điện tử mang lại doanh thu từ 5 - 10% so với truyền thống thì không ăn thua nên không quá chú trọng.

Nhưng doanh nghiệp không nghĩ rằng, có thể 5 năm nữa hình thức này sẽ thay thế dần các mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Viêt Nam có xu hướng “làm nội bộ”, không muốn hợp tác với các đơn vị khác trong khi có rất nhiều cơ hội để thuê các đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp thiết kế hoặc quảng cáo với chi phí rẻ hơn và đạt hiệu quả hơn. Thay đổi tư duy phát triển bằng cách thuê những người thực sự giỏi thì hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp sẽ phát triển hơn rất nhiều.