Việt Nam sẽ sửa đổi các quy định về PPP như thế nào?

Theo Kinh tế và Dự báo

Việc sửa đổi Quyết định số 71/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) là đương nhiên. Tuy nhiên, để hình thức đầu tư này có thể phát huy được hiệu quả, thời gian tới, Việt Nam cần điều chỉnh những văn bản luật có tính pháp lý cao hơn.

 Việt Nam sẽ sửa đổi các quy định về PPP như thế nào?
Ảnh minh họa. Nguồn: APSME

Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh về PPP

Trong thu hút vốn đầu tư PPP thì sự minh bạch và bình đẳng giữa các bên tham gia là hết sức quan trọng. Đồng thời cần phải hạn chế tối đa những rủi ro liên quan đến các xung đột về lợi ích. Để làm được điều này, theo các chuyên gia, Việt Nam phải có những khung pháp lý đủ rộng để giúp nhà đầu tư tư nhân tránh các rủi ro, như: rủi ro đấu thầu, rủi ro đàm phán, rủi ro xây dựng, rủi ro hoạt động và rủi ro từ Chính phủ.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, khung pháp lý cho PPP ở Việt Nam mới đang trong quá trình xây dựng và chưa có hành lang đảm bảo cho PPP hoạt động hiệu quả. Các quy định điều chỉnh PPP, trừ Quyết định 71, thì nằm rải rác trong rất nhiều văn bản luật khác nhau. Điều đáng nói là chưa có một văn bản mang tính pháp lý cao như luật, hay nghị định điều chỉnh riêng về PPP. Hiện nay điều chỉnh PPP có 2 văn bản có tính pháp lý cao nhất là Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư.

Trước đây, Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ dành cho đấu thầu mua sắm công truyền thống, tức là Nhà nước dành một khoản tiền để mua sắm thì việc mua sắm công phải được thực hiện trong khuôn khổ khoản tiền đấy. Còn nay, trong chương trình sửa Luật, phạm vi đối tượng sẽ được mở rộng, bao gồm cả hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sự tham gia của Nhà nước và khu vực tư nhân. 

Bên cạnh đó, nếu Luật Đầu tư thiên về hình thức đầu tư kinh doanh có lợi nhuận, thì Luật Đầu tư công sẽ hướng đến sự đầu tư của Nhà nước, nhưng không thiên về kinh doanh sinh lời.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng sửa đổi quy định về PPP phải nằm giữa hai luật này, không hoàn toàn thuộc luật này hay luật kia.

Ngoài những luật mang tính chuyên ngành trên, thì PPP còn liên quan tới một số quy định pháp luật khác, và PPP bị điều chỉnh ở nhiều điều khoản nằm rải rác trong các văn bản pháp luật quy định về thuế, đất đai, ngoại hối…

Trong bối cảnh hạn chế về ngân sách, việc huy động các nguồn lực khác nhau để phát triển kinh tế là xu thế tất yếu. Vì thế, Việt Nam phải xây xây dựng một hệ thống quy định pháp luật riêng về hình thức đầu tư PPP. Và chắc chắn, một khung pháp lý hoàn chỉnh sẽ phải bao trùm được tất cả các quy định về ưu đãi thuế, đất đai, ngoại hối… 

Theo Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trước mắt, Việt Nam sẽ xây dựng một khung pháp luật về PPP, sau đó sẽ phát triển các hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng lĩnh vực chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương. 

Sẽ hỗ trợ tối đa các dự án PPP

Đó là khẳng định của Chính phủ Việt Nam đối với các đối tác quốc tế. Hành động đầu tiên đó là việc thành lập Ban chỉ đạo về PPP với việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải được cử làm Trưởng ban.

Cùng với để tháo gỡ khó khăn về kinh phí chuẩn bị dự án PPP, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Lê Văn Tăng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy mạnh phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng các Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ Bù đắp tài chính (VGF) để tăng tính khả thi của dự án PPP. 

 Đối với Quỹ PDF, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết hiệp định vay vốn với Ngân hàng Phát triển châu Á trị giá 20 triệu USD. Dự kiến trong tháng 4 này, Bộ này cũng sẽ cùng Cơ quan Phát triển Pháp ký hiệp định vay vốn bổ sung cho Quỹ PDF là 8 triệu Euro, tương đương 10 triệu USD.

Như vậy, cho đến nay, tổng số vốn của Quỹ lên tới 30 triệu USD. Đây là quỹ hỗ trợ dành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khu vực công) chuẩn bị, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và tiền khả thi dự án PPP, lập hồ sơ mời thầu, xây dựng hợp đồng PPP, hỗ trợ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…

 Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng Quỹ VGF. Quỹ này nhằm giúp Nhà nước bù đắp sự thiếu hụt tài chính để đảm bảo dự án PPP có khả năng thu hồi vốn và đảm bảo cho nhà đầu tư có mức lợi nhuận hợp lý khi tham gia dự án. 

Ngoài ra, nguồn kinh phí sẽ được huy động từ một số quỹ hỗ trợ đầu tư tư nhân, như: Quỹ Phát triển hạ tầng (IFF), quỹ đầu tư của một số địa phương đã và đang hoạt động khá hiệu quả như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Với những chính sách ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ khu vực tư nhân này, như: lãi suất ưu đãi, thời hạn vay dài…, thì các nhà đầu tư tư nhân sẽ có thêm một kênh huy động vốn hiệu quả.

Hơn nữa, do đang trong giai đoạn thí điểm, nên các dự án đầu tư thực hiện theo mô hình PPP sẽ được ưu tiên lựa chọn đầu tư hàng đầu. Đặc biệt, các nhà đầu tư tư nhân có thể yên tâm về tính minh bạch, cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.

Từ nay đến năm 2020, Việt Nam nếu muốn phát triển ở tốc độ 7 - 8% thì phải đầu tư mạnh vào hạ tầng, trong đó tập trung vào giao thông, điện năng, nước, môi trường... Nhưng để đầu tư đồng bộ, theo tính toán, cần tới 150 tỷ USD. Nếu chỉ trông cậy vào nguồn vốn truyền thống như: vốn ngân sách, phát hành trái phiếu, vay ODA... thì chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50%. Như vậy, nguồn vốn khổng lồ này sẽ phải trông cậy vào vốn đầu tư tư nhân, ước khoảng 70 - 80 tỷ USD.