Người trồng mía và nỗi lo rớt giá

PV.

(Tài chính) Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong niên vụ đường 2013-2014, cả nước có khả năng dư thừa 500.000-600.000 tấn đường. Nhiều doanh nghiệp đề xuất và được Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường RS (đường cát), nhằm giải quyết bớt lượng đường trong kho, tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu được khoảng 120 nghìn tấn. Điều này đang tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, cũng như nỗi lo rớt giá của người nông dân được mùa.

Người trồng mía và nỗi lo rớt giá
Giá thu mua mía hiện tại đang đẩy người trồng mía vào nhiều cái khó. Nguồn: internet

Nếu trước đây, mức giá mía đường đang được các doanh nghiệp sản xuất bao tiêu ký hợp đồng mua với mức giá dao động từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, thì nay, giá thu mua đang bị đẩy xuống rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân trồng mía. Theo phản ánh của người dân vùng mía ở Hậu Giang (Vựa mía lớn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long), mặc dù năm nay được đánh giá là được mùa nhưng người trồng mía lại khá buồn, hiện đã vào vụ thu hoạch gần 1 tháng, nhưng giá mía vẫn không có gì cải thiện so với đầu vụ. Hiện tại, với mức giá thương lái thu mua mía tại rẫy từ 700-840 đồng/kg, người nông dân rất khó có được lợi nhuận.

Theo tính toán của người trồng mía, với chi phí thuê mướn nhân công và các công đoạn thu hoạch như: đốn, vác, cân mía... cộng với tiền mua giống, phân, thuốc thì chi phí đầu tư đã bằng, thậm chí còn cao hơn giá thu mua của thương lái. Tuy nhiên, vì áp lực nước lũ và để có đất trồng sạ lại vụ kế tiếp nên không ít bà con đành “bóp bụng” bán mía dù biết chắc không có được nguồn lợi nhuận đáng kể.

Còn một số nông dân trồng mía ở các tỉnh duyên hải miền Trung cũng trong tình trạng không khá hơn. Do giá mía rớt và chậm trễ trong công tác thu mua của các nhà máy làm ảnh hưởng đến trữ lượng đường của mía và mía khô làm giảm năng suất, và đang bị thương lái ép giá, chính vì vậy người trồng mía đang có xu hướng chuyển sang các loại cây trồng khác. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do:

Thứ nhất, tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan vào trong nước ồ ạt làm cho giá đường thành phẩm trong nước bán ra liên tục giảm, đường RE được với giá rất rẻ, khoảng 12.700-12.800 đồng/kg, đường RS với giá chỉ còn khoảng 12.000 đồng/kg. Nếu trừ thuế VAT 5% thì còn khoảng 11.600 đồng/kg. Đem giá này để tính giá mía (giá 1 tấn mía bằng giá 60 kg đường RS bán tại kho), thì giá thu mua mía sẽ chỉ còn 600-700 đồng/kg. Nếu nhà máy mua mía giá thấp để đảm bảo lợi nhuận, nông dân là người chịu thiệt và thua lỗ. Còn nếu mua giá cao để hỗ trợ nông dân trồng mía như đã cam kết, nhà máy sẽ phá sản.

Giải pháp để tháo gỡ khó khăn này cho các doanh nghiệp cũng như người nông dân trồng mía đó là quản lý chặt chẽ tình trạng buôn lậu trái phép, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất, nhưng đã không xuất khẩu trở lại mà bán trực tiếp ra thị trường. Bộ Công Thương phải xem xét không cấp giấy phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu đường theo diện tạm nhập tái xuất để hạn chế lượng đường dư thừa trên thị trường, giúp giải phóng bớt lượng đường tồn kho cho các doanh nghiệp sản xuất, từ đó họ mới có thể quay lại giúp đỡ người nông dân trong công tác thu mua và hỗ trợ giá.

Thứ hai, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu chính ngạch theo cam kết WTO và AFTA khoảng 70.000 tấn. So với nhu cầu tiêu thụ trong nước ở mức 1,35 triệu tấn thì nguồn cung đang cao hơn rất nhiều, đẩy giá đường trong nước giảm xuống, lượng đường tồn kho tăng lên làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua mía của các nhà máy. Khi tiến độ thu mua mía chậm, làm giảm trữ lượng đường của mía, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của nguồn nguyên liệu, từ đó cũng đẩy giá thành thu mua giảm.

Hơn nữa, việc chậm trễ trong công tác thu mua, đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long khi mùa mưa lũ đến sẽ ảnh hưởng đến giá nhân công trong thu hoạch, tiến độ cho vụ kế tiếp, còn ở các tỉnh khô hạn như miền Trung, Tây Nguyên sẽ làm cho mía khô héo làm ảnh hưởng chung đến năng suất.

Thứ ba, có thể nói tin vui cho các doanh nghiệp là Bộ Công Thương chấp thuận đề xuất cho xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường RS sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do chậm trễ trong các khâu thủ tục, giấy phép nên đến nay, lượng đường xuất khẩu mới đạt tỉ lệ khá khiêm tốn, khoảng 120 nghìn tấn, trong khi lượng đường tồn kho thực tế lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, Bộ Công Thương và Hiệp hội mía đường Việt Nam nên sớm có biện pháp nhanh chóng hơn nữa để thúc đẩy quá trình hợp tác xuất khẩu đường.

Khi khó khăn của ngành mía đường chưa được giải quyết thì người nông dân vẫn còn nhiều rủi ro với nghề trồng mía. Bởi hiện nay, diện tích mía cả nước khoảng 298.200 ha; diện tích các nhà máy có ký hợp đồng và đầu tư là 278.000 ha; năng suất bình quân đạt 63,9 tấn/ha, sản lượng mía cả nước được 19,05 triệu tấn, nếu như các nhà máy không thực hiện theo đúng cam kết về giá cả để tạo niềm tin cho người trồng mía thì khả năng người dân bỏ nghề là điều đương nhiên diễn ra. Như thế, đến 2015, các nhà máy mía đường sẽ phải đóng cửa quay lại tình trạng thiếu mía, thiếu đường, do thiếu nguyên liệu để sản xuất.