Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động Của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thừa Thiên - Huế


Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến dựa vào phương pháp bình phương bé nhất để ước lượng các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của 67 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Quy mô, tốc độ tăng trưởng, khả năng sinh lời, tính liên kết ngành của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn hiện nay.

Đặt vấn đề

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp (DN) cần chủ động và tích cực tìm cách gia tăng lợi nhuận một cách hợp lý. Muốn như vậy, trước hết chủ DN cần có nhận thức cơ bản về các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của DN mình. Cụ thể, khả năng sinh lời là tỷ lệ để đo lường hiệu suất của DN, đây là khía cạnh chính trong báo cáo tài chính (BCTC) của DN. Lợi nhuận của một DN cho thấy, khả năng của DN để tạo ra thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định. Khả năng sinh lời là yếu tố quyết định giúp các nhà quản lý phát triển một chiến lược sinh lời hiệu quả cho DN.

Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu sử dụng

 Để tiến hành ước lượng các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ vừa (DNNVV), nghiên cứ sử dụng số liệu thứ cấp được lấy theo kỹ thuật lấy mẫu thuận tiện từ BCTC năm 2017 của 67 DNNVV tại cơ sở dữ liệu của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế, với các chỉ tiêu lựa chọn phân tích trong mô hình.

Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết

Trên cơ sở lý thuyết về hiệu quả hoạt động, các lược khảo tài liệu trước đó cũng như quan điểm cá nhân, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tổng quát như sau:

E(Y/Xt ) = βo + β1X1t  + β2X2t  + β3X3t  + β4X4t + β5X5t  + β6X6t + ut

Trong đó: Biến phụ thuộc E(Y/Xt) là lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Các biến độc lập (Xit) lần lượt là quy mô của DN (X1), tuổi của DN (X2), tăng trưởng doanh thu (X3), khả năng sinh lời (X4), năng suất (X5), tính liên kết ngành (X6).

Cụ thể nghiên cứu thực hiện kiểm định các giả thuyết sau:

H1: Kích thước của công ty ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh lời của công ty.

H2: Tuổi của công ty ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của nó.

H3: Tăng trưởng của công ty ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.

H4: Lợi nhuận trong quá khứ của công ty ảnh hưởng đến khả năng sinh lời hiện tại của công ty.

H5: Năng suất của công ty ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh lời của công ty.

H6: Liên kết ngành ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của công ty.

Bảng 1: Dấu kỳ vọng các biến trong mô hình

Biến

Tên biến

Ðo lường biến

Kỳ vọng

X1

Quy mô doanh nghiệp

Log (Tổng tài sản)

+/-

X2

Tuổi của doanh nghiệp

Log (Số năm hoạt động)

+/-

X3

Tăng trưởng

(DT năm nay – DT năm trước)/DT năm trước

+/-

X4

Khả năng sinh lời quá khứ

LNTT năm trước/DT năm trước

+

X5

Năng suất

Log (GTGT/số lượng lao động)

+

X6

Tính liên kết ngành

Log (GTGT)

+

 

Từ bản chất của các biến độc lập, mô hình kiểm định sự ảnh hưởng của các nhân tố đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế kỳ vọng dấu của các biến trong mô hình Bảng 1.

Kết quả nghiên cứu

Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN

Giá trị thống kê F trong mô hình có mức ý nghĩa rất nhỏ, là 0,000, cho thấy, mức độ an toàn bác bỏ giả thuyết Ho, có nghĩa là tồn tại mối quan hệ tuyến tính giữa hiệu quả hoạt động của DNNVV (đo lường bằng tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản ROA) với ít nhất một trong các yếu tố là biến độc lập, như vậy mô hình hồi quy tuyến tính được đưa ra phù hợp với dữ liệu.

Hệ số xác định R2 là 54,9% là tương đối hợp lý, cho thấy, biến động chung của các nhân tố ảnh hưởng giải thích được khoảng 54,9% hiệu quả hoạt động DNNVV. Phần mô hình hồi quy không đo lường được ở đây là khoảng 45,1% chính là do tác động của những nhân tố quan trọng khác đến hiệu quả hoạt động của DN, nhưng vì không định lượng được nên không thể đưa vào mô hình hồi quy. Chẳng hạn như: Trình độ lãnh đạo, giới tính chủ DN, tình hình biến động của nền kinh tế, các chính sách của Chính phủ...

Kết quả cụ thể từng biến như sau:

Quy mô của DN – X1

Quy mô DN, với giá trị ước lượng β1 là -0,03 (sig. 0,001) cho thấy, khi quy mô DN tăng 1% thì ROA sẽ giảm xuống 0,03%. Kết quả nghiên cứu này của nhóm tác giả phù hợp với các nghiên cứu của B. Ramasamy (2005), của A. K. Salman và D. Yazdanfar (2012) và của Farah Margaretha và Nina Supartika (2016). Các DN lớn hơn sẽ khó quản lý hiệu quả tổ chức bộ máy, từ việc khắc phục các vấn đề quan liêu trong cơ cấu quản lý. Mặt khác, thực tế cho thấy, quy mô DN càng nhỏ, thì càng có khả năng tăng mức lợi nhuận cao hơn.

Hầu hết các DNNVV trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung đều khiêm tốn về giá trị tổng tài sản do vốn mỏng. Với sự “khiêm tốn” này, lãnh đạo DN cần có chiến lược đúng đắn trong việc lựa chọn thị trường, công nghệ phù hợp và chiến lược cạnh tranh. Chẳng hạn, DN có thể thuê các công cụ hoặc công nghệ từ một DN khác để hỗ trợ quá trình sản xuất, như vậy, họ sẽ giảm chi phí mua tài sản, từ đó làm cho việc sản xuất hiệu quả hơn, do đó DN có thể thu được lợi nhuận cao hơn.

Tuổi của DN – X2

Tuổi của DN không ảnh hưởng đáng kể đến mức sinh lợi khi giá trị β2 rất nhỏ là 0,007 với giá trị sig. (0,703) lại cao hơn rất nhiều so với mức ý nghĩa 5%. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của H. Malik (2011) và nghiên cứu hợp tác giữa D. Mehari và T. Aemiro (2013). Nghiên cứu cho rằng, DN hoạt động lâu năm không có nghĩa sẽ đạt lợi nhuận cao hơn. Ngược lại, DN mới thành lập càng có ưu thế hơn, thể hiện ở sự đổi mới và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khả năng tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức và cơ hội hơn so với những DN hoạt động lâu năm.

Tăng trưởng doanh thu – X3

Tốc độ tăng trưởng của DN có những ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời với giá trị ước lượng β3 là 0,016 (sig. 0,02). Nghĩa là, khi quy mô DN tăng 1% thì ROA sẽ tăng lên 0,016%. Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu đã được kiểm tra bởi A. Vijayakumar (2011), A. K. Salman và D. Yazdanfar (2012) và nghiên cứu của cá nhân D. Yazdanfar (2013).

Theo Ngân hàng Thế giới, cũng phù hợp với lý thuyết kinh tế hiện đại, các DNNVV có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển của một quốc gia. DNNVV có thể thúc đẩy việc làm nhiều hơn các DN lớn. Các DNNVV có phạm vi nhỏ hơn nên dễ dàng thiết lập và tổ chức hoạt động DN hơn. Khi các DNNVV hoạt động càng hiệu quả thì càng có nhiều khả năng gia tăng lợi nhuận.

Khả năng sinh lời quá khứ – X4

Bảng 2. Kết quả phân tích mô hình hồi quy tuyến tính

Chỉ tiêu

Biến

Hệ số ảnh hưởng (β)

Hệ số ảnh hưởng (βeta)

Giá trị xác suất

Hằng số

 

,079

 

,027

Quy mô doanh nghiệp

X1

-,030*

-,381*

,001*

Tuổi của doanh nghiệp

X2

,007

,034

,703

Tăng trưởng

X3

,016*

,225*

,020*

Khả năng sinh lời

X4

,551*

,428*

,000*

Năng suất

X5

,015

,102

,281

Tính liên kết ngành

X6

,020*

,202*

,040*

Hệ số R2

 

 

 

0,549*

Hệ số Durbin Watson

 

 

 

2,229*

Giá trị F

 

 

 

18,888*

Mức ý nghĩa

 

 

 

,000*

 

Khả năng sinh lợi quá khứ có những ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời ở thời điểm hiện tại với kết quả hệ số β4 là 0,551 (sig. 0,000). Nghĩa là, khi quy mô DN tăng 1% thì ROA sẽ tăng lên 0,551%. Kết quả trong nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của J. McDonald (1999), A. Stierwald (2009), A. Vijayakumar (2011), A. K. Salman và D. Yazdanfar (2012) và nghiên cứu của cá nhân D. Yazdanfar (2013).

Năng suất – X5

Kết quả chỉ ra rằng, năng suất lao động của DN không ảnh hưởng đến mức sinh lợi của DN khi mức ý nghĩa (sig.) của giá trị ước lượng β5 của biến này khá lớn là 0,281 so với mức ý nghĩa 5%. Kết quả nghiên cứu này khác với nghiên cứu đã được kiểm định bởi A. Stierwald (2009), A. K. Salman và D. Yazdanfar (2012) và nghiên cứu của D. Yazdanfar (2013) cho thấy rằng, năng suất của công ty có ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận.

Kết quả này mặc dù mâu thuẫn với nghiên cứu trong quá khứ của các tác giả đã đề cập nhưng lại phần nào phản ánh được thực trạng hoạt động của các DNNVV ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung, đó là năng suất làm việc của lao động chưa cao do số lượng, chất lượng chuyên môn lãnh đạo cũng như của nhân viên trong DN còn nhiều hạn chế và phần nào do tính chất kiêm nhiệm của công việc mang lại. Do đó, biến số này chưa thực sự tác động đáng kể cải thiện lợi nhuận.

Liên kết ngành – X6

Tính liên kết ngành có ảnh hưởng đến lợi nhuận với giá trị ước lượng β6 là 0,02 (sig. 0,04). Nghĩa là, khi quy mô DN tăng 1% thì ROA sẽ tăng lên 0,02%. Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu trong quá khứ đã được kiểm chứng bởi A. Vijayakumar (2011), A. K. Salman và D. Yazdanfar (2012) và nghiên cứu của cá nhân D. Yazdanfar (2013).

Kết quả phân tích mô hình hồi quy tuyến tính tại Bảng 2 cho thấy 4 biến: Quy mô DN (X1), tăng trưởng (X3), khả năng sinh lời quá khứ (X4), và tính liên kết ngành (X6) đều có tác động đến hiệu quả DN. Trong đó, tăng trưởng (X3), khả năng sinh lời quá khứ (X4) và tính liên kết ngành (X6) có tác động tích cực còn quy mô DN (X1) có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của DN. Nghiên cứu này còn cho thấy, khả năng sinh lời quá khứ và quy mô DN là hai yếu tố quyết định mạnh nhất về khả năng sinh lời. Hai biến còn lại là tuổi của DN (X2) và năng suất (X5) hầu như không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các DN này.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp

Mục tiêu chính của DN là tối đa hóa lợi nhuận. Để cải thiện hơn nữa hiệu quả của DN, lãnh đạo DN cần tập trung vào thúc đẩy một số yếu tố ảnh hưởng tích cực và cải thiện các yếu tố tác động tiêu cực hoặc hiện tại chưa có tác động đến lợi nhuận của DN. Các DNNVV cần áp dụng chế độ khuyến khích nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý bằng tiền thưởng theo kết quả làm việc, sáng tạo học tập của nhân viên để khuyến khích nhân viên đi học. Bên cạnh đó, chú trọng tạo điều kiện môi trường tốt tại nơi làm việc, khiến cho nhân viên cảm thấy được đãi ngộ từ đó trung thành và cống hiến cho DN hơn, gia tăng năng suất làm việc của họ và mang lại lợi nhuận cao hơn cho công ty.

Bảng 3: Tóm tắt kết quả hồi quy đa biến

Biến phụ thuộc

Giá trị

Sig.

Quyết định

Kích thước công ty

 

 

Bác bỏ H0

Tuổi của công ty

 

 

Chấp nhận H0

Tăng trưởng

 

 

Bác bỏ H0

Khả năng sinh lời quá khứ

 

 

Bác bỏ H0

Năng suất

 

 

Chấp nhận H0

Liên kết ngành

 

 

Bác bỏ H0

 

Các chủ sở hữu và các nhà quản lý DNNVV cần nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý. Các DN nên xây dựng kế hoạch nguồn vốn cần thiết để đào tạo, nâng cao trình độ cho chủ DN và nhân viên, chú trọng đào tạo các kỹ năng cần thiết cho các nhà quản lý, chủ DN để phát triển các kế hoạch chiến lược.

Các DNNVV cần coi trọng việc thu thập thông tin thị trường thực hiện việc nghiên cứu thị trường một cách hiệu quả, đồng thời, cung cấp nguồn lực cần thiết để tìm hiểu các nhu cầu của khách hàng hoặc theo dõi đối thủ cạnh tranh. DNNVV cần chú trọng cải tiến quy trình công nghệ, không những là áp dụng công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại mà còn nghiên cứu để cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, hư hỏng của sản phẩm… nhằm giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Đối với những khâu mà DN tự làm không có hiệu quả thì nên thuê, chuyển sang cho các DN khác làm để tận dụng lợi thế so sánh. Ví dụ, nếu DN đảm đương việc quản lý một kho thành phẩm của mình ở một địa phương khác, việc giao hàng cho khách hàng từ kho đó không hiệu quả thì hãy thuê một công ty chuyên về dịch vụ kho, vận chuyển làm để tiết kiệm chi phí. DNNVV cần có định hướng kinh doanh tốt và kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, phù hợp với năng lực và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo đó, để có thể trụ vững trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, các DNNVV cần nhanh chóng tìm cách thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Các DNNVV cần đẩy mạnh liên kết, thực hiện mua bán, sáp nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh;  Gia tăng mối quan hệ với các bên khác như nhà cung cấp hoặc nhà phân phối để giúp quản lý kiểm soát quyền truy cập đầu vào. Đây cũng là yếu tố có thể làm tăng tiêu chuẩn của sản phẩm chất lượng, để thu hút người tiêu dùng.

Đối với cơ quan quản lý

Một trong những cách thức để thúc đẩy khu vực DNNVV trong tương lai đó là Chính phủ nên mở rộng các quy định khuyến khích DN phát triển dưới hình thức chính sách của Chính phủ như luật pháp và các quy định liên quan đến DNNVV từ phía sản xuất và phía ngân hàng, chẳng hạn như là một chương trình tín dụng đặc biệt với các điều khoản không quá khắt khe cho các DNNVV, để giúp cải thiện cơ sở vốn, thông qua lĩnh vực dịch vụ tài chính chính thức, lĩnh vực dịch vụ tài chính phi chính thức, đảm bảo các đề án, cho thuê và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cùng với đó, tiếp tục tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi qua việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, môi trường kinh doanh an toàn, cũng như đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, giảm thuế…

Kết luận

Bằng phương pháp ước lượng theo phương pháp bình phương bé nhất trong mô hình hồi quy đa biến, nghiên cứu đã ước lượng và xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các DN bao gồm: Quy mô DN, tăng trưởng, khả năng sinh lời quá khứ, và tính liên kết ngành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu DN càng có thời gian hoạt động lâu năm thì hoạt động càng kém hiệu quả.

Ngược lại, tốc độ tăng trưởng, khả năng sinh lời ở năm trước và tính liên kết ngành hầu như có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của DN. Kết quả nghiên cứu đã giúp nhóm tác giả tổng hợp đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các DNNVV có thể nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong giai đoạn thị trường với khó khăn, thách như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên - Huế, Niên giám thống kê 2016, 2015;
  2. Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cơ sở dữ liệu năm 2017;
  3. K. Salman and D. Yazdanfar, “Profitability in Swedish SME firms: A quantile regression approach”, International Business Research, vol. 5, no. 8, pp. 94-106, 2012;
  4. Stierwald, “Determinants of firm profitability-The effect of productivity and its persistence,” Melbourne Institute of Applied Economic and Social Research, The University of Melbourne, 2009;
  5. Vijayakumar, “An empirical study of firm structure and profitability relationship: The case Of Indian automobile firms,” International Journal of Research in Commerce and Management, vol. 1, no. 2, no. 100-108, 2011;
  6. Vijayakumar, “The determinant of profitability: An empirical investigation using Indian automobile industry,” International Journal of Research in Commerce and Management, vol. 2, no. 1, pp. 58-64, 2011;
  7. Ramasamy, “Firm size, ownership and performance in the Malaysian palm oil industry”, Asian Academy of Management Journal of Accounting and Finance, vol. 1, pp. 81-104, 2005;
  8. Mehari and T. Aemiro, “Firm specific factors that determine insurance companies’ performance in Ethiopia”, European Scientific Journal, vol. 9, no.10, pp. 245-255, 2013.