Nhật Bản - thị trường tiềm năng đối với sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu biết tận dụng cơ hội và bảo đảm các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và an toàn thực phẩm, đây chính là thị trường tiềm năng lớn trong tương lai đối với mặt hàng nông, thủy sản của nước ta.

Nhật Bản - thị trường tiềm năng đối với sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản sang Nhật Bản đạt hơn 980 triệu USD, mặt hàng rau quả đạt 62,6 triệu USD, cà phê. 146 triệu USD, hạt tiêu 20 triệu USD... Thời gian qua, lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản ngày càng tăng và nhiều hơn so với lượng nhập khẩu của Nhật Bản vào thị trường nước ta. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2014 dự kiến đạt 28 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2013.

Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JETRO) Hirotaka Yasuzumi cho biết, các sản phẩm trái cây tươi và gạo của Việt Nam hiện là những mặt hàng nổi tiếng và được yêu thích tại Nhật Bản. Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, Nhật Bản dự kiến sẽ tăng cường nhập khẩu bột gạo, bởi xu hướng ưa chuộng các sản phẩm làm từ bột gạo của người dân Nhật Bản đang ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cũng khẳng định, ngành nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ trợ cho nhau, tiềm năng hợp tác phát triển hoạt động xuất nhập khẩu là rất lớn. Trong tương lai, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam là rất lớn bởi thị trường Nhật Bản luôn có nhu cầu cao về trái cây tươi, rau xanh và nhiều mặt hàng nông, thủy sản.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của nước ta bởi Việt Nam có lợi thế so sánh về điều kiện phát triển các sản phẩm nông sản so với Nhật Bản. Trên thực tế, một số giống rau xanh được người Nhật ưa chuộng được các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu, áp dụng và trồng thành công tại Đà Lạt, đặc biệt là dự án trồng rau xà lách giống Hoa Kỳ áp dụng quy trình, kỹ thuật như tại làng Kawakami Mura - ngôi làng của những người nông dân có mức thu nhập thuộc hàng cao nhất tại Nhật Bản nhờ trồng rau xà lách. Thêm vào đó, hoạt động hợp tác phát triển nông nghiệp giữa hai nước đã được quan tâm, chú trọng hơn. Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã chính thức được phê duyệt. Theo đó, tiến hành hợp tác phát triển một số mặt hàng nông, thủy sản như lúa gạo, tôm, cà phê, chè, rau quả, và cá ngừ đại dương. Có thể thấy, Nhật Bản luôn được biết đến như một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu biết tận dụng cơ hội và tăng cường bảo đảm tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và an toàn thực phẩm, đây chính là thị trường tiềm năng lớn đối với mặt hàng nông, thủy sản của nước ta trong tương lai.

Để thị trường Nhật Bản trở thành điểm nhập khẩu mạnh các mặt hàng nông, thủy sản nước ta, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần tăng cường áp dụng quy trình sản xuất sạch GAP, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, đóng gói đúng quy chuẩn và thực hiện chiếu xạ hoặc xử lý bằng hơi nước nóng đối với các loại trái cây tươi, rau xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm dịch động thực vật để loại bỏ các doanh nghiệp không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sớm bổ sung các tiêu chuẩn chất lượng hài hòa với tiêu chuẩn của Nhật Bản, tháo gỡ hàng rào kiểm dịch, tiến tới từng bước xác lập độ tin cậy về chất lượng kiểm định sản phẩm giữa hai nước. Bởi chỉ một đơn vị vi phạm sẽ làm ảnh hưởng đến cả ngành hàng, như trường hợp tôm xuất khẩu nhiễm chất cấm liên tục bị Nhật Bản cảnh báo thời gian qua. Ngoài ra, cần quan tâm nhiều hơn đến các phương thức, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn kiểm dịch của Nhật Bản để tiến tới thay đổi, áp dụng cho các sản phẩm nông, thủy sản trong nước, đáp ứng được nhu cầu của thị trường khó tính này. Như vậy mới có thể nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta sang thị trường Nhật Bản. Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam hơn hết cần hiểu rõ văn hóa, tâm lý tiêu dùng của thị trường này để sản xuất và cung ứng những sản phẩm đạt yêu cầu mới có thể thành công. Quan niệm của người Nhật về văn hóa ẩm thực là chất lượng món ăn bắt nguồn từ nguyên liệu phục vụ chế biến.