Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ mua nợ xấu

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết dù mới đi vào hoạt động chưa được khoảng 1 tháng nhưng đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ mua nợ xấu, trong đó có cả những tập đoàn lớn như Blackstone Group của Mỹ.

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ mua nợ xấu
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ mua nợ xấu, trong đó có cả những tập đoàn lớn như Blackstone Group của Mỹ. Nguồn: internet
“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời và đang có những hoạt động cụ thể được xem là một thành công” – TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Ông đánh giá, kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng về cơ bản đã có những kết quả thực tế đạt được: thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo căn bản, xử lý căn bản 8/9 tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý một phần nợ xấu, cơ cấu lại một bước nhỏ sở hữu các ngân hàng thương mại, tăng vốn điều lệ một số tổ chức tín dụng, tăng cường một bước trong kỉ cương, kỷ luật.

Về vấn đề xử lý nợ xấu, ông cho rằng, nếu không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ không thành công. Nhưng khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình này lại gặp một số hạn chế như quy định người nước ngoài không được sở hữu tài sản đất đai ở Việt Nam mà chỉ được thuê đã gây khó khăn trong việc mua tài sản thế chấp, vì đa số các tài sản thế chấp nợ xấu đều là bất động sản.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng chia sẻ “chúng tôi vừa tiếp đoàn đầu tư nước ngoài vào mua nợ xấu Việt Nam, đa phần họ trả lời là không quan tâm tới việc sở hữu tài sản ở Việt Nam, thậm chí chỉ cần thuê dài hạn mà quan trọng là thủ tục mua bán phải nhanh (mua bán, sang tên)”.

Ông cho biết thêm, dù mới đi vào hoạt động chưa được 1 tháng nhưng đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ mua nợ xấu, trong đó có cả những tập đoàn lớn như Blackstone Group của Mỹ. Số lượng vào mua nợ xấu và số lượng muốn bán nợ xấu nhiều trong khi năng lực thể chế VAMC có hạn, số tiền ngân hàng Trung ương cho phép cũng có hạn đã trở thành khó khăn của VAMC hiện nay. Thành ra VAMC như một đơn vị vừa gom hàng vừa phân loại để xử lý nợ xấu. Với lượng hồ sơ hiện tại, VAMC có thể mua tới 60.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013.

Còn ông Bùi Huy Thọ - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngân hàng nhà nước cho biết ngành ngân hàng đã chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó nợ xấu đã được kiềm chế và từng bước được xử lý. Tốc độ tăng của nợ xấu trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm đáng kể (chỉ bằng1/3) so với 8 tháng đầu năm 2012 (tăng 59,2%).

Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các tổ chức tín dụng đã chủ động xử lý được 95.100 tỉ đồng bằng dự phòng rủi ro (trong đó năm 2012 là 69.200 tỉ đồng và 8 tháng đầu năm 2013 là 25.900 tỉ đồng).

Ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng cần xử lý mạnh tay với tình trạng sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn trong ngân hàng nhằm lành mạnh hoá lại hệ thống tài chính của Việt Nam. Ông cảnh báo cần hết sức quan tâm tới những khoản nợ nằm trong các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân lớn chuẩn bị biến thành nợ xấu và phải có chế tài ngay từ đầu.

Giải pháp đẩy mạnh tái cơ trúc hệ thống ngân hàng theo ông, cần tạo lập sự đồng thuận chính trị tốt hơn nữa, đặc biệt là trong quan hệ giữa VAMC, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Cần giải tỏa những lo ngại của ngân hàng và doanh nghiệp khi bán nợ cho VAMC; phải có thêm nguồn lực tài chính ngoài trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu như trái phiếu Chính phủ hoặc bán tài sản Nhà nước để hỗ trợ vốn cho VAMC. Có chính sách khuyến khích thị trường mua bán nợ, như chính sách thuế, chính sách sở hữu hoặc thuê tài sản đối với người nước ngoài.

Ngoài ra cần khoanh vùng tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chi phối ngân hàng để xử lý. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp có liên quan đến góp vốn vào ngân hàng và cơ chế tài nghiêm về vi phạm lĩnh vực này.