Nhiều thử thách cho người lao động thời 4.0

Theo Việt Anh/saigondautu.com.vn

Theo các nguồn tin nước ngoài, trong khi nhiều công đoàn ở châu Âu kêu gọi đình công trên toàn quốc vào ngày Quốc tế Lao động 1-5 đòi tăng lương và giảm ngày làm, thì tại một số nước châu Á, người ta dự định tuần hành khắp nơi để vận động tăng thêm việc làm trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 (CN 4.0).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nguy cơ hiện hữu

Với sự phát triển đột phá về công nghệ thông tin, Internet, kỹ thuật số... khiến một số công đoạn trong quá trình lao động, sản xuất sẽ do robot thay thế con người. CN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cũng như khó khăn cho người lao động, bảo đảm việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo dự báo của LHQ, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. 

Thêm vào đó, xu hướng việc làm thời CN 4.0 cũng tạo thêm những ngành nghề mới như công nghệ sản xuất 360o, in 3D, sản xuất trên hệ thống tự động, điện toán đám mây…
Theo ILO, trong ngành giày dép, công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giày ngay tại chỗ, và công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong một tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác.

Chưa đáp ứng tốt

Tuy nhiên, các công nghệ mới gây ra các khó khăn cho các nhà quản lý và đào tạo nguồn nhân lực. Sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
Một công nghệ đã được thử thách và đang được triển khai mạnh mẽ vào thực tiễn đang tạo áp lực tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực liên quan. Một trong những thách thức đáng chú ý là khó dự đoán xu hướng để có thể đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho tương lai.

Cũng theo một nghiên cứu của ILO, bất bình đẳng giới trong lao động việc làm vẫn tồn tại dù thế giới đang ở giữa cuộc cách mạng CN 4.0. Theo đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trên toàn cầu ở mức 48,5% năm 2018, trong khi tỷ lệ tham gia của nam giới là 75% nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới lại cao hơn 0,8%.
Báo cáo này cũng cho thấy có sự khác biệt đáng kể, phụ thuộc vào mức độ giàu có của các quốc gia. Chẳng hạn như, sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa phụ nữ và nam giới ở các nước phát triển tương đối nhỏ.
Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ ở Đông Âu và Bắc Mỹ thậm chí còn thấp hơn so với nam giới. Ngược lại, ở các khu vực như các quốc gia Arab và Bắc Phi, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ vẫn cao gấp đôi nam giới do những định kiến xã hội tiếp tục cản trở phụ nữ tham gia vào những công việc được trả lương. 

Báo cáo này cũng cho thấy phụ nữ phải đối mặt với những khoảng cách đáng kể về chất lượng việc làm. Chẳng hạn như, khả năng phụ nữ làm lao động gia đình vẫn cao gấp đôi so với nam giới.
Điều này có nghĩa là họ tham gia công việc kinh doanh gia đình theo định hướng thị trường nhưng thường đối diện với những điều kiện làm việc dễ bị tổn thương, không có hợp đồng bằng văn bản, thiếu sự tôn trọng pháp luật lao động và không có các thỏa ước lao động tập thể. 

Trong khi ở các nước đang phát triển, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công việc gia đình đã giảm trong thập kỷ qua nhưng tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao ở các nước đang phát triển (ở mức 42% trong tổng số việc làm của phụ nữ năm 2018, so với mức 20% trong tổng số việc làm của nam giới) và không có dấu hiệu cải thiện cho đến năm 2021.