Nhiều triển vọng cho giao thương Việt Nam

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Chỉ số tin cậy thương mại đạt 120 điểm trong nửa đầu năm 2014 - điểm cao nhất trong vòng ba năm rưỡi qua là triển vọng sáng, khá lạc quan cho ngoại thương Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiều triển vọng cho giao thương Việt Nam
Chỉ số tin cậy thương mại của Việt Nam đạt 120 điểm trong nửa đầu năm 2014 - cao nhất trong hơn 3 năm qua. Nguồn: internet
Theo báo cáo lần này, ngành dệt may Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế trong khi lĩnh vực xuất khẩu các thiết bị thông tin viễn thông là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. HSBC tin rằng, tăng trưởng xuất khẩu của hai ngành này sẽ nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam lên hơn mức 11% cho giai đoạn 2014-2020.
 
Báo cáo định kỳ về triển vọng kết nối giao thương Việt Nam công bố ngày 17/9 của Ngân hàng HSBC nhận định, với vị thế địa lý thuận lợi và các hiệp định thương mại đã và sắp ký kết, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển thương mại chủ yếu với các thị trường mới nổi khác trong khu vực. Trong đó, dệt may vẫn là tâm điểm, cho dù lĩnh vực xuất khẩu các thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông vẫn sẽ tăng trưởng mạnh. 
 
HSBC cũng cho biết, mặc dù có gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, các hoạt động thương mại sẽ sôi nổi hơn trong những tháng cuối năm, nhưng nhu cầu nhập khẩu cao sẽ khiến mức xuất siêu giảm trong những năm tới. Dấu hiệu cụ thể là có 22% doanh nghiệp được hỏi vẫn lo ngại về các biến động tỷ giá. Bên cạnh đó, tuy chỉ số tin cậy thương mại nửa đầu năm 2014 đạt mức cao nhất trong ba năm rưỡi qua, song vẫn thấp hơn mức kỷ lục 132 điểm của nửa cuối 2010. Có 54% doanh nghiệp cho biết, các rào cản tăng trưởng xuất nhập khẩu là giá cả dịch vụ hậu cần, vận chuyển và kho bãi cao. Do đó, điều thiết yếu là Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện hơn nữa các điều kiện kinh doanh.
 
Theo HSBC, Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn thị trường và các yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng thương mại của Việt Nam. Bởi Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á, giữa các nước láng giềng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, và nhiều nước Đông Nam Á khác. Thứ nữa là triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có nhiều cải thiện, lạm phát dưới mức 5% trong năm, trạng thái xuất siêu duy trì gần đây và tiền tệ ổn định. Cùng với đó là các hiệp định thương mại trong khu vực thúc đẩy thương mại nội vùng châu Á đã phát triển hơn trong những năm gần đây.
 
Về dài hạn, HSBC tin rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới. Tuy nhiên, để hỗ trợ đà tăng trưởng này, giải ngân cho đầu tư sẽ tiếp tục tăng đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở. “Nhập khẩu máy móc công nghiệp là ngành nhập khẩu lớn nhất và chúng tôi chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu máy móc công nghiệp cho đến 2030. Ngành này sẽ đóng góp gần 1/3 cho tăng trưởng nhập khẩu Việt Nam” - HSBC dự báo. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Malaysia sẽ là những thị trường nhập khẩu phát triển nhanh của Việt Nam do lợi thế địa lý gần.
 
Cũng theo HSBC, với nền công nghiệp đa dạng bên cạnh việc mở rộng đầu tư, Việt Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng của thị trường mới nổi châu Á. Sau dệt may, ngành sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam từ nay cho đến 2030. Tăng trưởng xuất khẩu thiết bị viễn thông cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát huy sản xuất để thay thế các sản phẩm, linh kiện nhập khẩu hiện nay.