Những thách thức “chờ đợi” kinh tế Việt Nam trong năm 2018

Theo N.Mạnh/bizlive.vn

Chỉ còn 10 ngày nữa sẽ kết thúc năm 2017, nền kinh tế sẽ chuyển mình sang một năm mới với nhiều thách thức chờ đợi...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhiều thách thức lớn chờ đợi
Chỉ còn 10 ngày nữa sẽ kết thúc năm 2017, nền kinh tế sẽ chuyển mình sang một năm mới. Nói với BizLIVE, TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng 2018 sẽ là một năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế. 
Bên cạnh những vấn đề mang tính “cố hữu” đối với nền kinh tế bao nhiêu năm qua như nợ công, nợ xấu, sự trì trệ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì xu hướng bảo hộ gia tăng cũng như mức độ mở cửa nhanh chóng... sẽ là những thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt.
“Xử lý "cục máu đông" nợ xấu, kiểm soát an toàn nợ công, đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá DNNN cần phải tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, cần cân đối tài chính trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng phải được lưu ý trong năm 2018”, ông Hồ nói.
Dẫn số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, ông Hồ cho biết dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD. Ông Hồ cho rằng các con số cho thấy xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên rõ rệt nhưng bên cạnh đó nhập khẩu hàng hoá cũng rất phát triển.
“Về quan hệ quốc tế, cạnh tranh trong năm 2018 sẽ rất khốc liệt đặc biệt đối với những ngành có thuế về 0%. Trong khi đó về mặt xuất khẩu, càng ngày chúng ta càng phải đối mặt với những thách thức lớn khi xu thế bảo hộ ngày càng gia tăng”, ông Lưu Bích Hồ nhận định.
Ngoài ra theo vị này, con số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 dù tăng vọt song số lượng tạm ngừng và giải thể cùng còn rất cao. Điều này do nhiều nguyên nhân nhưng cũng không thể phủ nhận những tác động từ phía môi trường kinh doanh.
“Cần cố gắng làm sao để tạo điều kiện môi trường thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp, cởi trói cho họ phát triển. Chỉ khi doanh nghiệp nội mạnh mẽ, gia tăng nội lực thì nền kinh tế mới tăng trưởng bền vững”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Để làm được điều này ông Hồ cho rằng năm 2018 cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách bộ máy. Bởi nếu vẫn còn vẫn tình trạng trên nóng dưới lạnh, không đưa được những nghị quyết cải cách vào trong cuộc sống... thì rất khó để thay đổi.
“Với đà của năm 2017 thì mục tiêu 6,5-6,7% cho năm 2018 tôi cho rằng là rất khả thi. Nhưng quan trọng vẫn là phải chú ý tới chất lượng, nhận diện được những thách thức lớn và những việc cần làm ngay”, ông Lưu Bích Hồ cho biết.
Tận dụng cuộc cách mạng 4.0 tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau
Nhận diện những thách thức lớn có thể sẽ phải đối mặt trong năm 2018, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến những tác động từ bên ngoài, từ nền kinh tế thế giới.
“Kinh tế Việt Nam rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực tuy nhiên không có được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016”, ông Thành nói và cho biết thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, đặc biệt liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ.
Theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam đạt được mức 6,7% năm 2017 cũng nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, bước nhảy này sang năm cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao. 
“Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo; bất động sản, dịch vụ... Các ngành ngày này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 là không cao”, ông Thành nói.
“Cần phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. Bên cạnh đó là việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt lên nữa”, ông Thành đưa ra khuyến nghị.
TS. Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng Việt Nam là đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu, trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào chính sách thương mại của các quốc gia, nhất là Mỹ.
“Còn lại là những vấn đề trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như công nghệ thấp, đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều, năng xuất lao động còn thấp, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá”, ông Phước nói.
Ông Phước cũng cho rằng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm. 
“Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đề nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau”, ông Phước nói.