Những yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới

Theo Linh Nga/enternews.vn

Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất khẩu cuối năm nay sẽ không có nhiều biến động mặc dù theo thông lệ kim ngạch xuất nhập khẩu thường tăng cao vào cuối năm.

Xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.
Xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Số liệu mới công bố từ Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng… thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhìn nhận về đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới vẫn có nhiều yếu tố cản trở đặc biệt là từ những biến động của nền kinh tế thế giới.

Nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 21/11 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 phục hồi mạnh do những rủi ro từ căng thẳng thương mại. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,9% năm 2020, giảm 0,1 phần trăm điểm so với dự báo tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. 

Trong tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,0% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi lên 3,4% trong năm 2020, nhưng dự báo này vẫn thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 7/2019.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm.

Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI đo lường sức khỏe của ngành chế biến chế tạo trong những tháng gần đây không mấy khả quan. Trong tháng 10/2019, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống chỉ còn 50 điểm – mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điểm sáng là số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã có sự chậm lại rõ rệt.

Xuất khẩu điện thoại các loại – mặt hàng có có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức: EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.

Xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 ở Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 20 - 50%.  Điều này sẽ khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 - 2020 nghiêm trọng hơn, trong khi xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 xuất siêu 1,86 tỷ USD; đẩy mức xuất siêu 10 tháng lên 9 tỷ USD; tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Ước tính chung 11 tháng năm 2019 xuất siêu 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (11 tháng 2018 xuất siêu 7,58 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,6 tỷ USD.

Như vậy, với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.