Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU: 4 vấn đề phải khắc phục sớm

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của các tỉnh miền Trung vẫn còn nhiều hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục để đảm bảo trong lần thanh tra tới đây (vào tháng 6/2020), Việt Nam sẽ nhận được kết quả tốt nhất có thể từ EC.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Có nỗ lực nhưng còn hạn chế

Để tháo gỡ thẻ vàng của EC về IUU, các tỉnh miền Trung đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là thực hiện 4 khuyến nghị của EC. Đến nay, hầu như không còn tình trạng ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên và công tác tuyên truyền đã giúp thay đổi nhận thức về sự tuân thủ các quy định về IUU của ngư dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục.

Ngư dân cần nâng cao ý thức chấp hành quy định về IUU
Ngư dân cần nâng cao ý thức chấp hành quy định về IUU
 

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên vẫn còn chậm. Tỉnh Quảng Ngãi có 3.351 tàu phải lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng đến 12/2/2020 mới chỉ có 276 tàu được lắp đặt thiết bị. Còn tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ lắp đặt còn thấp. Riêng tại TP. Đà Nẵng, hầu hết các tàu đều lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng số lượng tàu dài hơn 15m rất ít (16/17 tàu đã lắp đặt).

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), hạn chế của các địa phương miền Trung là công tác truy xuất nguồn gốc, quản lý kiểm soát tàu cá còn nhiều bất cập. Ban quản lý các cảng cá hoạt động chưa đầy đủ, hồ sơ theo dõi các tàu còn nhiều lỗ hổng.

Ngoài ra, một bất cập hiện nay là mọi việc triển khai IUU còn "khoán trắng" cho ban quản lý các cảng cá, vai trò quản lý nhà nước tại các cảng cá rất mờ nhạt. "Ban quản lý thực hiện hồ sơ và tự kiểm tra hồ sơ thì không thể phát hiện ra lỗi. Vì họ làm thì làm sao họ thấy lỗi được", ông Hùng nói.

Cần sự quyết liệt của các địa phương

Theo kế hoạch tháng 6/2020, thanh tra của EC sẽ kiểm tra việc tuân thủ các quy định của IUU để quyết định việc có rút lại thẻ vàng đối với xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam vào EU hay không.

Tuy nhiên, khó khăn của các địa phương miền Trung là hệ thống hạ tầng cảng cá còn bất cập, xa cửa biển nên hoạt động kiểm soát hành trình tàu cá chưa sâu sát, đầu tư cho hạ tầng cảng cá và hoạt động thủy sản còn hạn chế. Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - Hồ Kỳ Minh - cho biết, địa phương đang chuẩn bị thực hiện nâng cấp cảng cá Thọ Quang. Mặc dù lượng tàu của TP. Đà Nẵng ít, công suất nhỏ, nhưng lượng hàng hóa ra - vào cảng Thọ Quang lại đạt hơn 100.000 tấn/năm (tàu địa phương khác cập cảng). Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện IUU, TP. Đà Nẵng sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra - vào cảng Thọ Quang.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng: Các địa phương miền Trung thực hiện chưa tốt 4 khuyến nghị của EC. Thứ nhất, vẫn có tàu vi phạm; thứ hai, quản lý tàu trên biển chưa chặt chẽ; thứ ba, truy xuất nguồn gốc chưa đồng bộ; thứ tư, thực thi pháp luật, xử lý chưa triệt để.

Cần phải tuyên truyền sâu rộng để bà con ngư dân nắm được những quy định của pháp luật mà tự giác chấp hành. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ người đứng đầu cho đến các cấp, ban, ngành, thì mới có thể sớm khắc phục 4 khuyết điểm này - ông Tiến nhấn mạnh.

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua, thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội gia tăng rất lớn về sản lượng và giá trị XK.